Nâng cao công tác quản lý hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp

17/11/2022 1:21 PM

(Chinhphu.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, kiểm tra để tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

Nâng cao công tác quản lý hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp - Ảnh 1.

Tăng cường quản lý hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp. Ảnh: Internet

Rà soát việc sản xuất kinh doanh hóa chất chặt chẽ

Cụ thể, Sở đã ban hành Kế hoạch số 818/KH-SCT ngày 11/3/2022 để triển khai thực hiện với 3 nội dung trọng tâm: Tổ chức các lớp tập huấn, thực hiện công tác kiểm tra, trao đổi về công tác quản lý hóa chất với các tỉnh khác.

Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã cấp 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. Tổ chức tập huấn về công tác báo cáo, khai thác thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu hóa chất của Bộ Công Thương cho các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất.

Đồng thời, ttriển khai công tác phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thẩm định điều kiện kho chứa đối với những đơn vị kinh doanh hóa chất ngoại tỉnh có kho chưa hóa chất nằm trên địa bàn TP. Hà Nội.

Công tác rà soát hoạt động hóa chất trên địa bàn cũng được triển khai một cách chặt chẽ. Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản số 2515/SCT-KTATMT gửi UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất trên địa bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hóa chất và công tác phối hợp quản lý trên địa bàn Thành phố.

Triển khai thực hiện Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Sở Công Thương đang cùng với các sở, ngành tham mưu UBND TP. Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố; và tham mưu ban hành Kế hoạch để triển khai các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc theo Quyết định số 1129/QĐ-BCT ngày 9/6/2022 của Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh, để từ đó xây dựng phương án diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc trong năm 2023.

Chủ động thanh, kiểm tra an toàn hóa chất

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động rà soát việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý hoá chất, như lập kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hoá chất, tổ chức huấn luyện an toàn hoá chất, phân loại, ghi nhãn hoá chất, rà soát, trang bị, bố trí thiết bị ứng phó sự cố, chữa cháy đầy đủ và phù hợp với quy mô, đặc tính nguy hiểm của hoá chất; lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

 Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn còn một số tồn tại cần khắc phục; đặc biệt là công tác bảo đảm an toàn trong lưu giữ, bảo quản, vận chuyển hóa chất. Bởi theo quy định của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh hóa chất phải có có nơi lưu giữ hóa chất và cho phép doanh nghiệp thuê kho hoặc thỏa thuận gửi giữ với các cơ sở kinh doanh có kho đủ điều kiện trên toàn quốc.

"Điều này khiến Sở Công Thương gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất. Pháp luật cũng không có quy định bắt buộc cá nhân, tổ chức bắt buộc phải mua hàng của các cơ sở đồng ý cho gửi giữ hóa chất, nên quy định này có nguy cơ bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng", ông Thắng nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra; chủ động phối hợp với các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống kê, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hóa chất có kho chứa hóa chất trên địa bàn nhằm chấn chỉnh hoạt động, bảo đảm an toàn hóa chất, phòng chống cháy nổ.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành về an toàn hoá chất, giúp các doanh nghiệp, người dân, người lao động nâng cao nhận thức, hiểu biết và nắm được các thông tin, các biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hoá chất, về đặc tính nguy hiểm và tầm quan trọng của hoá chất, những tác động đến đời sống, cộng đồng và môi trường, nhằm chủ động để phòng tránh…

Diệu Anh

Top