Nâng cao giá trị, tạo diện mạo mới cho Hồ Gươm

24/03/2025 6:58 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang triển khai thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư cải tạo không gian khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm và phương án thiết kế, cải tạo Quảng trường Đông Kinh-Nghĩa Thục. Đây là cơ hội nâng cao giá trị cho hồ Gươm, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như tạo động lực cho phát triển kinh tế, du lịch của Thủ đô.

Nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô

Được ví như "viên ngọc quý" của Thủ đô Hà Nội, hồ Gươm không chỉ ẩn chứa trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành Thăng Long-Hà Nội mà còn là không gian cảnh quan đẹp.

Nâng cao giá trị, tạo diện mạo mới cho Hồ Gươm- Ảnh 1.

Được ví như "viên ngọc quý" của Thủ đô Hà Nội, Hồ Gươm không chỉ ẩn chứa trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành Thăng Long-Hà Nội mà còn là không gian cảnh quan đẹp.Ảnh: VGP/Thùy Chi

Xung quanh hồ Gươm là một hệ thống di tích lịch sử, như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Rùa, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, đình Nam Hương. Ngoài ra, khu vực này còn có hệ thống cây xanh, mặt nước hồ Gươm, gồm cây đa búp đỏ bên đền bà Kiệu; các cây lộc vừng bên hồ Gươm, hàng liễu ven phố Hàng Khay và phố Đinh Tiên Hoàng…

Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai các tour tham quan điểm di tích hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội như tour hành trình di sản (tham quan một vòng hồ Hoàn Kiếm, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ số 50 Đào Duy Từ, trung tâm nghệ thuật 22 Hàng Buồm, đình Kim Ngân) và các tour tham quan khu phố cổ Hà Nội.

Xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, biến nơi đây trở thành địa điểm du lịch, giải trí, khám phá văn hoá, kiến trúc, ẩm thực phong phú cho người dân, du khách trong và ngoài nước...

UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ sau khi UBND quận Hoàn Kiếm triển khai thực hiện Đề án tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục nói riêng và các không gian mở xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm nói chung (khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, vườn hoa Lý Thái Tổ, khu vực Đền Ngọc Sơn, Đền Bà Kiệu...), đã tạo ra không gian công cộng, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi cho Nhân dân Thủ đô vào các ngày cuối tuần và các ngày lễ lớn, kỷ niệm trọng đại của Thủ đô Hà Nội.

Có thể nói, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục và các không gian công cộng xung quanh hồ không chỉ là một địa điểm văn hóa, lịch sử mà còn là nơi giao lưu, gắn kết cộng đồng, phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân.

Trước đó, tháng 10/2023, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 5526/QĐ-UBND về việc công nhận Khu di tích cấp thành phố đối với khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm, vùng phụ cận và khu phố cổ Hà Nội. Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy các giá trị khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội.

Mở rộng không gian quảng trường tối đa để tăng khả năng kết nối

Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, khu vực phía Hồ Gươm được nghiên cứu theo hướng trở thành khu quảng trường - công viên cùng với phương án bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, các công trình biểu tượng, di tích bảo đảm chức năng sử dụng phù hợp, hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.

Về phương án thiết kế, việc cải tạo Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ phá dỡ tòa nhà "hàm cá mập", cùng với việc nghiên cứu bố trí các không gian ngầm, tổ chức lại không gian của quảng trường này…

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích dự kiến khu vực Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục khoảng 1,2ha, có phạm vi ranh giới: Phía Bắc giáp phố Hàng Gai và Cầu Gỗ; Phía Nam giáp mép hồ Hoàn Kiếm và nhà Thủy tọa; Phía Đông giáp phố Hồ Hoàn Kiếm; phía Tây giáp tòa nhà Hồng Vân - Long Vân.

Còn khu vực không gian công cộng phía Đông hồ Hoàn Kiếm có tổng diện tích khoảng 2,14ha, có phạm vi ranh giới phía Tây giáp hồ Hoàn Kiếm và đường Đinh Tiên Hoàng; phía Bắc giáp khu dân cư hiện có; phía Đông giáp phố Lý Thái Tổ; phía Nam giáp phố Trần Nguyên Hãn.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận (A5), chức năng định hướng chung là đất phố cũ, trong đó đã định hướng chính về không gian: Bảo tồn hình ảnh đặc trưng của khu vực Hồ Gươm; Cải thiện các cảnh quan xung quanh hồ Gươm, bảo tồn tôn tạo, quản lý bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa, xung quanh các công trình di tích có giá trị, trên các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Hàng Khay,... và xung quanh các quảng trường công cộng như quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, quảng trường khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ...

Bên cạnh đó, bảo tồn, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan các công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, cách mạng như: đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Bưu điện Hà Nội, trung tâm thương mại Tràng Tiền, khu vực tượng đài Cảm tử để Tổ quốc quyết sinh...; Bảo tồn tôn tạo không gian mặt nước cây xanh, kết nối khu vực hồ Gươm với khu vực phố cổ, phố cũ, khu Hoàng thành Thăng Long và sông Hồng; Phát triển thêm các vườn hoa, tiểu cảnh, lối đi bộ tại những không gian cải tạo xây dựng lại các công trình trong khu vực...

TS, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, 70 năm qua, Hà Nội đạt được rất nhiều kết quả to lớn trong quy hoạch và xây dựng. Sau Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội đã triển khai rất linh hoạt về các định hướng phát triển, trong đó có việc tập trung xây dựng hai quy hoạch, được xem là hai trụ cột để phát triển trong tương lai. Luật Thủ đô 2024 cũng vừa được thông qua. Như vậy, giai đoạn này, Hà Nội cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ song hành giữa các luật và quy hoạch mới.

TS, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc mở rộng không gian di sản hồ Hoàn Kiếm là rất cần thiết, đây là cơ hội nâng cao giá trị, tạo diện mạo mới cho hồ Gươm. TS, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên nghiên cứu quy hoạch, cải tạo tại khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm theo hướng tăng cường không gian công cộng, không gian mở.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, là đơn vị được giao tổ chức lập Quy hoạch tổng mặt bằng song song với việc lập thiết kế đô thị riêng làm cơ sở triển khai dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết không gian Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, các giải pháp quận nghiên cứu đề xuất lần này được đưa ra với mong muốn mở rộng không gian quảng trường tối đa để tăng khả năng kết nối giữa hai khu vực rất quan trọng là Hồ Gươm, di tích cấp Quốc gia đặc biệt và phố cổ Hà Nội, di tích cấp Quốc gia.

Hiện quận Hoàn Kiếm đang giao cho UBND một số phường trên địa bàn phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội niêm yết công khai quy hoạch tổng mặt bằng cải tạo không gian khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tỉ lệ 1/500 để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tại 5 điểm. Tại đây, các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến góp ý đối với quy hoạch tổng mặt bằng sẽ được hướng dẫn, tiếp thu và giải đáp theo quy định của pháp luật.

Thùy Chi

Top