Nâng cao giá trị từ sản xuất rau hữu cơ gắn với thương hiệu OCOP

07/07/2022 12:48 PM

(Chinhphu.vn) - Việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu OCOP đã giúp cho nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng và góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nâng cao giá trị từ sản xuất rau hữu cơ gắn với thương hiệu OCOP - Ảnh 1.

Sản xuất rau sạch gắn với thương hiệu OCOP của HTX Ba Chữ, huyện Đông Anh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Kết nối tiêu thụ, sản xuất liên kết với các nhà phân phối

Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ (huyện Đông Anh), Đông Anh là huyện ngoại thành phía Bắc của Thủ đô, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong đó xã Vân Nội có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn với 275 ha, tập trung trồng và sản xuất rau lâu năm tại 6 thôn. Xã có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị thuộc trung tâm của Thủ đô. Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng giữa Thủ đô với các tỉnh phía bắc.

Trong quá trình đổi mới phát triển, bên cạnh những thuận lợi và khó khăn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã cũng  đứng trước nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức.

Nhiều năm trước đây, khi nhắc đến mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, nhiều hội viên phụ nữ vẫn còn tâm lý lạ lẫm và e dè không muốn làm. Hiểu được tâm tư nguyện vọng của chị em, với mong muốn giúp các hộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn thích ứng tốt trong bối cảnh sản xuất mới, các cấp Hội phụ nữ huyện Đông Anh đã có nhiều cách làm hay. 

Từ đó giúp các hộ sản xuất thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nhằm tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng, an toàn trong đó có các vùng tập trung sản xuất rau chất lượng an toàn. 

Tính đến nay, nhiều hội viên phụ nữ đã hưởng ứng nhiệt tình, mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, canh tác theo hướng hữu cơ để thuận lợi hơn trong việc kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Năm 2016, Hợp tác xã Ba Chữ được thành lập với mô hình Tổ hợp tác liên kết chuỗi sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn OCOP, theo hướng PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia - ghi chép sản xuất). Có ban quản lý gồm 4 thành viên, 149 hộ tham gia, với 120 lao động chính chủ yếu là chị em hội viên phụ nữ. Cung cấp khoảng 50 sản phầm rau ăn lá, củ, quả theo mùa như: Cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, rau ngót, rau dền, bắp cải, bí, mướp, …

Hợp tác xã sản xuất theo mô hình PGS sử dụng chế phẩm và phân hữu cơ tái sử dụng khô dầu đậu tương, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, sử dụng gừng, tỏi, ớt, xả để xua đuổi côn trùng đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường an toàn, không chất bảo quản mà có thể để được 2 đến 3 ngày. Rau được trồng và sử dụng 70% là phân hữu cơ, 15% sinh học, 15% đạm từ khô dầu đậu tương. 

Thời gian trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch từ 30 đến 40 ngày, bao bì nilong mỏng dễ phân hủy, hoặc dây buộc có tem mã truy xuất nguồn gốc, gọn và đẹp mắt, cũng có thể dùng dây chuối khô buộc với quy cách 0,5 kg đến1kg/ bó cung cấp ra thị trường. Với khách hàng có nhu cầu sẵn dùng sản phẩm có thể đóng gói thành phẩm (đã được sơ chế) để người tiêu dùng không mất thời gian và chỉ cần rửa sạch để chế biến.

Với sự khác biệt đem lại lợi ích kinh tế, môi trường và có tác động, ảnh hưởng tốt đến cộng đồng cùng với sự vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ trong việc phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn từ khâu tuyên truyền, vận động chuyển đổi áp dụng khoa học kỹ thuật, đến quảng bá giới thiệu sản phẩm; đồng thời kết nối tiêu thụ, khuyến khích người sản xuất liên kết với các nhà phân phối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 

Hợp tác xã thường xuyên được các cấp Hội phụ nữ từ thành phố đến cơ sở mời tham gia trưng bày sản phẩm tại "Ngày hội sáng tạo", hội chợ, trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong chương trình mục tiêu quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" do huyện tổ chức… 

Hợp tác xã đã ký chuỗi liên kết với một số chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Anh để trồng phát triển thêm các loại củ, quả, nhờ tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn của Hợp tác xã Ba Chữ, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã có nguồn thu nhập tốt trên chính cánh đồng của gia đình, các sản phẩm ngày càng được người tiêu dùng tin cậy, thị trường mở rộng.

Hiện nay, Hợp tác xã đang cung cấp tới gần 20 bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, cửa hàng và đến tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, fanpage của Hợp tác xã và của các cấp Hội phụ nữ, các sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Ba Chữ vẫn được khách hàng tin tưởng ủng hộ, đặc biệt là chị em hội viên phụ nữ.

Phát triển sản xuất, xây dựng nền kinh tế "xanh"

Trong thời gian tới, để phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn ngày càng hiệu quả hơn, theo Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền, Hội phụ nữ và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thay đổi về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp. 

Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Từ đó góp phần hình thành nền kinh tế "xanh", các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hàng hóa; khuyến khích phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Các cấp Hội sẽ tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm, kết nối hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, kinh doanh; kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Tiếp tục tổ chức các hoạt động nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ đã và đang có ý tưởng khởi nghiệp được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Huyền cũng cho rằng, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần xây dựng thiết kế lô gô, tem mác, tờ rơi trong cung ứng vật tư đầu vào, hệ thống phân phối trên cơ sở ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Tạo thương hiệu vùng miền (sản phẩm OCOP) có truy xuất nguồn gốc.

Ngoài ra để phát triển chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn cần có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, các hiệp hội, nhất là hội phụ nữ, các ban ngành phát huy vai trò của mình để thúc đẩy phát triển và thực hiện tốt việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững. 

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top