Phát triển làng nghề với thương hiệu OCOP

14/04/2022 12:20 PM

(Chinhphu.vn) - Giữa ảnh hưởng của dịch COVID- 19, việc phát triển các làng nghề đã đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cũng như tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Phát triển làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu OCOP - Ảnh 1.

Miến dong làng So, huyện Quốc Oai. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng với việc quy hoạch phát triển làng nghề gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng giúp các làng nghề phát triển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Anh Dương Văn Quý, chủ Cơ sở sản xuất rượu Gồ, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai chia sẻ, là hộ sản xuất kinh doanh rượu truyền thống, với mong muốn mở rộng thị trường, cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các chuỗi nhà hàng, từ năm 2015, cơ sở của gia đình anh Quý đã đầu tư máy móc hiện đại để đáp ứng quy trình khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Với loại men truyền thống và nguồn nguyên liệu chất lượng, thơm ngon, hiện nay Cơ sở Kinh doanh rượu Gồ Dương Văn Quý có 4 dòng sản phẩm chính: Rượu Dâu tây, rượu Tươi, rượu Sim xanh và rượu Hậu huyết mận. Năm 2021, Cơ sở đăng ký 2 sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và đạt chuẩn OCOP 3 sao là rượu Sim xanh và rượu Tươi. Việc được chứng nhận OCOP 3 sao đã khẳng định chất lượng của cơ sở. Trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, cơ sở cho ra hơn 2.000 lít rượu cung ứng cho người tiêu dùng trong huyện và thành phố Hà Nội.

Ông Vương Trí Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai cho hay, giữa ảnh hưởng của dịch COVID- 19, với mong muốn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, các làng nghề, trong 3 năm từ năm 2019 đến 2021, huyện đã đánh giá phân hạng sản phẩm cho 79 sản phẩm OCOP, trong đó chủ yếu là các sản phẩm của làng nghề. Đối với xã Tân Hòa vốn có nghề miến Dong truyền thống, cùng với quy hoạch cụm điểm làng nghề, xã Tân Hòa cũng thành lập Hiệp hội làng nghề miến Dong Tân Hòa và tạo điều kiện cho 5 chủ thể tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Nhờ đó, sản phẩm miến Dong của làng được nhiều khách hàng tin dùng, ưa chuộng và đầu năm nay các cơ sở sản xuất cũng tăng gấp đôi sản lượng đáp ứng các đơn hàng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo ông Trần Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, hiện nay huyện có 17 làng nghề truyền thống. Giữa ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì việc phát triển các làng nghề đã đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội cũng như tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các làng nghề và các xã lân cận.

Cùng với việc quy hoạch xây dựng 5 Cụm công nghiệp làng nghề, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm và xây dựng các cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP để thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Từ đó, khôi phục và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế- xã hội tại các địa phương.

Hiện toàn TP. Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 313 làng nghề đã được UBND TP công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề những năm qua được Hà Nội đặc biệt quan tâm. Các sản phẩm làng nghề ngày một đa dạng với nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Trong đó, một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: May mặc, gốm sứ, dệt và thêu ren, đồ gỗ, chế biến nông sản thực phẩm (bánh kẹo, giò chả, chè…).

Các làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất qua các năm. Thống kê năm 2021 cho thấy, toàn thành phố có hơn 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỉ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, có khoảng 20 làng nghề đạt doanh thu trên 50 tỉ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách của các địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn Hà Nội còn phân tán, thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến việc đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ vào gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề còn nhiều khó khăn...

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND TP xác định phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu về nhân lực chất lượng cho các mục tiêu phát triển. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề.

Đồng thời hoàn thiện, tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa đồng bộ tại các làng nghề nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. 

Thiện Tâm

Top