Nâng cao hiệu quả giám sát an toàn thực phẩm nông nghiệp
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, vì vậy Sở NN&PTNT Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý về an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp, phục hồi phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất nông nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản theo Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thủy sản theo phân công, phân cấp quản lý nhằm duy trì, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Hiện Hà Nội đã xây dựng và phát triển 159 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (47 chuỗi sản phẩm động vật, 6 chuỗi sản phẩm thủy sản, 106 chuỗi sản phẩm nguồn gốc thực vật), tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi; có hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Đồng thời tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhận rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra các đơn vị trực thuộc Sở đã phối hợp, triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản. Trong đó, Chi cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn sản xuất rau an toàn trên diện tích 5.044 ha, thực hiện thử nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (có 2 mô hình phòng trừ tổng hợp; 1 mô hình bón khô dầu đậu tương cải tạo đất).
Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã khuyến khích, hỗ trợ 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP và 6 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội đã lấy tổng số 375 mẫu thực phẩm để giám sát chất lượng. Hiện, đã có kết quả của 105 mẫu, trong đó ghi nhận 6 mẫu vượt ngưỡng hàm lượng các chất cho phép. Cụ thể, 4 mẫu thủy sản phát hiện có chứa Leucomalachite Green, Ractopamin và hàm lượng cadimi vượt ngưỡng; 1 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella. Ngoài ra còn có 1 mẫu rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.
Ngoài ra, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cũng đã tiếp nhận và phân tích 236 mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản phục vụ công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cũng đã tiến hành lấy 50 mẫu thịt động vật tại cơ sở giết mổ để phân tích các chỉ tiêu ATTP và kiểm dịch động vật.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, cùng với việc phân tích mẫu thực phẩm, ngành còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, xử lý kịp thời các vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, các lực lượng thanh tra ngành nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại 205 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, kết quả có 23 cơ sở vi phạm xử phạt với số tiền hơn 385 triệu đồng.
Riêng đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, đã có 55 cơ sở trên địa bàn Hà Nội được ngành nông nghiệp thanh tra, kiểm tra. Trong đó, lực lượng liên ngành đã phát hiện và xử phạt 19 tổ chức, cá nhân gần 300 triệu đồng. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm ghi sai nhãn sản phẩm...
Các đoàn liên ngành đã kiểm tra 3.294 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý 115 cơ sở vi phạm, trong đó cảnh cáo 31 trường hợp, phạt 85 trường hợp, với tổng số tiền gần 568 triệu đồng. Đồng thời, tiêu hủy nhiều tấn sản phẩm động vật không an toàn.
Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tiêp tục kiện toàn, tổ chức lực lượng quản lý chất lượng thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Đồng thời tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông lâm thủy sản trên diện rộng, phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chuyển mạnh sang kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Duy trì và phát triển ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quản lý, phát triển chợ Thương mại điện tử tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản thủy sản an toàn. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Thiện Tâm