Nâng cao kỹ năng, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể

29/09/2022 10:15 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội hiện có trên 4.500 cơ sở giáo dục của 3 cấp học là mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở với hơn 6.700 bếp ăn. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể là hết sức quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.

Nâng cao kỹ năng, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể - Ảnh 1.

Bếp ăn tập thể tại các trường học cần được bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và giám sát, kiểm tra thường xuyên. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, thời gian qua, hai ngành Y tế và GD&ĐT đã tăng cường phối hợp kiểm tra cơ sở vật chất bếp ăn bán trú của các trường học trên địa bàn. Hiện Hà Nội có trên 4.500 cơ sở giáo dục của 3 cấp học là mầm mon, tiểu học và trung học cơ sở với hơn 6.700 bếp ăn. Thực tế kiểm tra cho thấy, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường hiện đã được đầu tư nâng cấp, bảo đảm trang thiết bị bếp ăn an toàn. Ngoài ra, qua kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, các nhà trường đều rất quan tâm và tuân thủ các quy định về việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội với hơn 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của Hà Nội rất lớn. Trong khi đó, hiện nay, khả năng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 35-60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Do đó, Hà Nội rất cần kết nối các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn của các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng và các bếp ăn tập thể.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể cần phải xác định nguồn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc khi đưa vào trường học cũng như các khu công nghiệp. 

Tại Hà Nội, để nâng cao nghiệp vụ quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú, ngày 29/9, Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo của quận tổ chức lớp "Tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm cho các trường có bếp ăn bán trú" cho Ban Giám hiệu, người quản lý, cán bộ y tế, người chế biến thực phẩm tại các trường có bếp ăn bán trú trên địa bàn.

Mục tiêu của lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức các văn bản quy phạp pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ quản lý bếp ăn bán trú.

Ths. Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - Giảng viên lớp tập huấn đã cung cấp cho học viên về các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời phổ biến về các điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, hướng dẫn công tác quản lý bếp ăn tập thể. Ngoài ra, học viên cũng được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và cách phòng chống.

Lớp tập huấn đã giúp đội ngũ Ban Giám hiệu, người quản lý, cán bộ y tế, người chế biến thực phẩm tại các trường có bếp ăn bán trú được nâng cao kiến thức, kịp thời cập nhật để triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo về an toàn thực phẩm trong hoạt động thực tiễn. Đồng thời, nắm vững một số kỹ năng ứng phó, xử lý khi có sự cố liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm, cách nhận biết, đánh giá, kiểm soát, bảo quản, lựa chọn được các loại thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ đó giúp phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, hướng tới  mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cũng như sự phát triển toàn diện cho các em.

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, để đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trên địa bàn, vừa qua, Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ phối hợp với phòng Giáo dục Đào tạo huyện kiểm tra các bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn một số xã: Văn Võ, Thượng Vực, Đồng Phú, Hồng Phong.

Để bảo đảm công tác an toàn bữa ăn cho học sinh ăn bán trú sau hai năm tạm dừng do phòng, chống dịch COVID-19, các nhà trường đã đảm bảo đầy đủ về hồ sơ pháp lý, các hợp đồng mua thực phẩm rõ đơn vị cũng cấp; chuẩn bị kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, và đội ngũ nhân viên.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, tại các trường khu vực bếp đều được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, đảm bảo sạch sẽ, bố trí không gian thoáng, đảm bảo khi chế biến. Các đồ dùng gồm bếp gas, nồi nấu công nghiệp, máy lọc nước, tủ lưu mẫu thực phẩm… được sắp xếp gọn gàng, thuận tiện. Các nhà trường luôn chú trọng kiểm tra, giám sát từ khâu nhập thực phẩm đến khâu chế biến, khâu ra thực phẩm chín. Đồng thời, nhân viên nhà bếp đều được trang bị đầy đủ kiến thức, trang phục bảo hộ đảm bảo vệ sinh khi nấu nướng.

Thiện Tâm

Top