Nâng cao nhận thức sản xuất nông sản an toàn qua chương trình khuyến nông
(Chinhphu.vn) - Chương trình "Nhịp cầu nhà nông" thời gian qua được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã thu hút sự quan tâm rất lớn của bà con nông dân. Đây chính là cơ hội để các hộ nông dân tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật sản xuất, góp phần nâng cao trình độ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, Thường Tín là huyện ngoại thành nằm phía nam Thủ đô, với dân số trên 265 nghìn người, diện tích đất tự nhiên trên 13.000 ha, là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng của vùng đất trăm nghề, với nhiều di tích lịch sử.
Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4,6 % tổng giá trị sản xuất xong huyện luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên, cần chú trọng, quan tâm đầu tư. Hàng năm huyện đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng khuyến khích sản xuất và hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và hỗ trợ nông dân về đào tạo nghề, vốn, giống và kỹ thuật, xây dựng mô hình khảo nghiệm giống cây trồng mới, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn của thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, đầu ra không ổn định, nhưng ngành nông nghiệp vẫn phát triển, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch tích cực, nhiều tiến bộ khoa học mới được ứng dụng vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 963 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch năm và tăng 2,9% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Trên địa bàn huyện có các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các xã: Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến, Tô Hiệu, Văn Tự, Nguyễn Trãi.... ; vùng trồng cây ăn quả ở xã Tự Nhiên, Chương Dương, Dũng Tiến,…; vùng hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo, Hồng Vân…
Năm 2020, huyện được Thủ tướng chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tính đến nay Thường Tín có 6 xã đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao và1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo ông Bùi Công Thản, tuy diện mạo nông thôn có những thay đổi rõ nét, sản xuất nông nghiệp ở mức tăng trưởng khá nhưng vẫn thiếu bền vững. Trình độ lao động nông nghiệp còn thấp, các biện pháp thâm canh mang tính truyền thống là chính, chưa ứng dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất đi đôi với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, và đặc biệt chịu tác động yếu tố thị trường,…nên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học ứng dụng vào sản xuất.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình kết nối với huyện, đặc biệt là chương trình "Nhịp cầu nhà nông", đã giúp liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa hộ nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý. Đồng thời trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học hết sức bổ ích về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cũng như việc giải đáp các khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải.
Bên cạnh đó, trang bị cho nông dân thêm kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận so với sản xuất truyền thống; chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn và góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Hộ gia đình ông Nguyễn Bá Sáu, xã Thư Phú, huyện Thường Tín cho biết, nhà ông đã có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, vì vậy gia đình ông rất chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe vật nuôi, đặc biệt là môi trường nước nên thường xuyên xử lý môi trường nước để bảo đảm cho nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên đàn cá vẫn luôn trong nguy cơ bị dịch bệnh bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của sông Nhuệ.
Thông qua chương trình "Nhịp cầu nhà nông" của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, ông Sáu cùng các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Thường Tín đã được PGS. TS Kim Văn Vạn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam giải thích và khuyến nghị các hộ cần theo dõi sát sao chất lượng nguồn nước. Nếu khi thấy nước đục phải dùng ngay các chế phẩm sinh học để xử lý. Ao nuôi cá phải được kiểm soát 3 vấn đề lớn về: Nước sạch, cân bằng độ PH và bảo đảm đủ oxy. Ngoài ra, cần theo dõi, chăm sóc cá nuôi từ khâu thức ăn đến các vấn đề bất thường của thời tiết.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân, hiện nay thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, chặt chẽ do thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, vì vậy nông dân muốn tiêu thụ được sản phẩm thì nông sản làm ra phải đảm bảo an toàn. Đây cũng là xu thế tất yếu và bắt buộc để bảo vệ sức khỏe con người.
Chính vì vậy, việc tiếp thu và vận dụng tốt những thông tin hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp nông dân giảm chi phí đầu tư và nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Chương trình "Nhịp cầu nhà nông" không chỉ giải đáp cho nông dân về kỹ thuật sản xuất mà còn giúp họ hiểu rõ, nắm bắt chính sách của nhà nước, Thành phố về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch, năm 2023, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND các huyện trên địa bàn Hà Nội tổ chức 6 diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông".
Thiện Tâm