Nâng cao sức hấp dẫn để đưa du lịch Hà Nội bứt phá
(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển, lượng khách tăng vượt chỉ tiêu. Ngành du lịch Thủ đô hiện vẫn chủ động "hút du khách" với nhiều sự kiện lớn và đồng bộ triển khai các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến
Du lịch Thủ đô đã vượt chỉ tiêu về đón khách quốc tế của cả năm 2023
Bà có đánh giá như thế nào về mức tăng trưởng của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian vừa qua?
Bà Đặng Hương Giang: Có thể nói từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, nhưng du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến; thị trường được mở rộng trở lại, lượng du khách không ngừng tăng đều qua mỗi tháng, mỗi quý.
Cụ thể, trong 9 tháng của năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt khách, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng trong tháng 9 vừa qua, Thủ đô Hà Nội đón hơn 2,05 triệu lượt khách, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 397,2 nghìn lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng 4% so với tháng 8/2023. Tổng số lượng khách quốc tế từ đầu năm đến nay đã tăng 4 lần so với năm trước.
Nhờ đà phục hồi tốt, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9, ngành du lịch Thủ đô đã vượt chỉ tiêu về đón khách quốc tế của cả năm 2023, với 3,2 triệu lượt khách.
Cũng trong tháng 9, số lượng khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,76 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 57,6%, tăng 13,8% so với cùng kỳ, tăng 0,6% so với tháng 8-2023. Ước 9 tháng đầu năm 2023, công suất trung bình khối khách sạn đạt 61%, tăng 27% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy, số lượng khách lưu trú tại Hà Nội đã tăng lên.
Ngành Du lịch Thủ đô đã thực hiện những giải pháp gì để thu hút khách trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch Thủ đô. Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang cùng với các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn Thành phố nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 25/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND Thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/02/2022 về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023…
Bên cạnh đó việc tích cực thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã tích cực đẩy mạnh triển khai các nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, chuyên nghiệp, đạt hiệu quả như: đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn; tăng cường công tác hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường; triển khai tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch mới của Hà Nội trong và ngoài nước…
Đối với việc triển khai các chương trình quảng bá du lịch, Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp xây dựng các chương trình, sự kiện thường niên, mang dấu ấn du lịch Thủ đô như: Chương trình du lịch Hà Nội chào 2023; Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội; Lễ hội du lịch Hà Nội; Festival Thu Hà Nội, Festival Áo dài Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội...
Vừa qua, Festival Thu Hà Nội 2023 (do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mai, Du lịch Thành phố tổ chức từ ngày 29/9-01/10/2023) thực sự đã để lại nhiều ấn tượng với người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước qua các hoạt động trải nghiệm thú vị, đầy ý nghĩa. Chỉ trong 3 ngày tổ chức, "Festival Thu Hà Nội" đã đón khoảng 80.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm, trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023).
Tạo bứt phá cho du lịch Hà Nội qua các sự kiện văn hóa
Thưa bà, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội-một trong những sự kiện điểm nhấn của du lịch Hà Nội sẽ được tổ chức trong tháng 10 này, Sở Du lịch đặt mục tiêu cụ thể gì?
Bà Đặng Hương Giang: Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 27/10 đến 29/10/2023, tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với sân khấu chính Vườn hoa Đền Bà Kiệu, đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, Nhà Bát Giác. Ban Tổ chức chúng tôi dự kiến bố trí hơn 60 gian hàng được thiết kế gắn với những hình ảnh thân thuộc của phố phường Hà Nội, được sắp đặt trên trục đường Đinh Tiên Hoàng, phố Lê Thạch, nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế, các thương hiệu áo dài 3 miền Bắc - Trung - Nam, nơi đọng lại ký ức trăm năm.
Bên cạnh đó là không gian thông tin, quảng bá, giới thiệu các tour, tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến... với các chính sách ưu đãi, khuyến mại nhằm chuyển tới du khách những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thị hiếu và giá cả hợp lý nhất.
Tham gia trình diễn tại Lễ khai mạc, là các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc như: Viết Bảo, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Thanh Hải, Ỷ Vân Hiên, Dũng Nguyễn, Hoàng Ly, Vũ Thảo Giang và nhiều thương hiệu áo dài như OZ Design House, áo dài La Sen Vũ, Kiên Anh,…
Điểm nhấn tạo nên sự khác biệt so với mọi năm của chương trình chính là Con đường áo dài cộng đồng "Dạo bước hồ Gươm"- nơi nét duyên áo dài hội ngộ lịch sử nghìn năm văn hiến Hà Thành. Trên con đường Đinh Tiên Hoàng in dấu thời gian, bên cạnh hồ Gươm thơ mộng, con đường áo dài cộng đồng tái hiện một phần không gian văn hóa - lịch sử của những biểu tượng ngàn năm của Thủ đô như: những mô hình làng nghề, sen hồ Tây, chùa Một Cột, Hoàng thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng... Có thể nói, Con đường áo dài cộng đồng "Dạo bước hồ Gươm" là món quà đặc biệt của mùa thu mà chương trình dành riêng tặng những người yêu áo dài, nhân dân thủ đô và du khách.
Ngoài ra, màn diễu hành "Bách hoa bộ hành" ngày 28/10 tại Khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cũng là một trong những hoạt động điểm nhấn của chương trình Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay với sự tham gia của 100 người trong trang phục áo dài ngũ thân nhằm khơi gợi và quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc đến với công chúng. Vì vậy, khi đến với Lễ hội, cùng với trang phục áo dài, nhân dân Thủ đô và khách tham quan sẽ được dịp "xuyên không" về với những dấu son huy hoàng của lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến và cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp lịch sử của tà áo dài.
Chúng tôi mong rằng lễ hội này sẽ đem đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách trong nước cũng như khách quốc tế, lan tỏa những hình ảnh đẹp của Hà Nội và mong muốn du khách sẽ trở lại Hà Nội để tham dự các sự kiện tiếp theo.
Thưa bà, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội có thể thực sự trở thành một sự kiện thường niên mang dấu ấn Hà Nội, thu hút du khách đến với Thủ đô?
Bà Đặng Hương Giang: Ngay từ khi đề xuất xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã mong muốn Lễ hội Áo dài du lịch được tổ chức thường niên nhằm mục tiêu kích cầu du lịch của Thủ đô, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Đồng thời bảo tồn và phát triển, khai thác, tôn vinh tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, thông qua sự kiện, ngành du lịch Hà Nội tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu, giao lưu, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp du lịch Hà Nội với các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang áo dài.
Năm 2022, hơn 30.000 lượt khách đã đến Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội trong ba ngày từ 02/12 đến ngày 04/12. Đông đảo khách tham quan ghé thăm không gian trưng bày triển lãm, tiểu cảnh và 50 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của các nghệ nhân, nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch của Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh...
Lễ hội Áo dài du lịch là một sự kiện lớn của du lịch Thủ đô Hà Nội. Hoạt động này nhằm chuyển tải thông điệp du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng, đưa hình ảnh chiếc áo dài từ "đại sứ văn hóa" dần trở thành "đại sứ du lịch" - một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể đưa không gian phố đi bộ ở Hồ Gươm và phố đi bộ ở các thành phố du lịch ở Việt Nam thành những không gian áo dài được mặc bởi học sinh, sinh viên, người dân, cũng như du khách trong và ngoài nước. Khi đó, áo dài sẽ là điểm nhấn, tô điểm cho không gian di sản các điểm đến. Khách du lịch sẽ thích thú chụp ảnh và chia sẻ trên trang cá nhân, mạng xã hội của họ thông qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mặc áo dài cũng giúp khôi phục nét đẹp văn hoá truyền thống của người Tràng An thanh lịch, văn minh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Ngoài việc tổ chức mặc áo dài, có thể khuyến khích phát triển các cửa hàng bán, may đo và cho thuê áo dài ở các khu vực thu hút nhiều khách du lịch. Hay có thể xây dựng tour áo dài cho du khách quốc tế;
Vừa qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô cần xây dựng tổ chức tour, tuyến du lịch tham quan làng nghề may mặc áo dài qua đó thu hút du khách, tạo cơ hội cho cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Được biết ngoài sự kiện Lễ hội Áo dài du lịch, ngành Du lịch Hà Nội đang tổ chức nhiều sự kiện và các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Bà có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Bà Đặng Hương Giang: Trong các tháng cuối năm 2023, Sở Du lịch sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện gồm: Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, Festival Áo dài du lịch Hà Nội 2023; chương trình du lịch đêm - Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc"; chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí Hà Nội và chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch sinh thái Hà Nội nhằm tạo điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách khi lưu trú tại Hà Nội, góp phần nâng cao sức hấp dẫn cho du lịch Thủ đô.
Tin vui là Hà Nội lần đầu tiên vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Golf Thế giới trao giải Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023 - World's Best Golf City Destination 2023. Tiếp nối những kết quả đạt được trong phát triển sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm Golf nói riêng, ngành du lịch Thủ đô sẽ triển khai đồng thời nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Golf, trong đó trọng tâm là công tác xây dựng sản phẩm du lịch Golf, tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các giải thi đấu Golf, tổ chức chương trình hội nghị, hội thảo phát triển du lịch Golf...
Ngay trong tháng 11/2023, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và 15 tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức "Chương trình kết nối sản phẩm du lịch Golf giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023"
Đặc biệt, để thúc đẩy tăng trưởng du lịch Thủ đô bền vững như mục tiêu đã đặt ra; toàn ngành Du lịch Thủ đô sẽ chủ động triển khai thực hiện đồng bộ 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Thủ đô theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tập trung công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết phát triển thị trường khách du lịch; Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường; Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Thông qua đó hình ảnh Thủ đô Hà Nội - điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn"; điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới ngày càng được khẳng định, lan tỏa.
Xin trân trọng cảm ơn Bà!
Minh Anh (Thực hiện)