Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng
(Chinhphu.vn) - Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là một trong 7 nhóm nội dung trọng tâm của Kế hoạch về thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được UBND TP. Hà Nội ban hành
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm từng bước đẩy lùi tham nhũng. Là căn cứ để các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Kế hoạch đề ra 7 nhóm nội dung trọng tâm: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm, triệt để các hành vi, vụ việc tham nhũng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị theo quy định.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường công tác cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính và các cơ quan tố tụng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí của thành phố trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
UBND Thành phố giao các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế; chủ động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện thông qua báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng về UBND Thành phố (qua Thanh tra thành phố) và khi có yêu cầu đột xuất theo hướng dẫn, để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND về triển khai thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Kế hoạch nhằm đánh giá đúng kết quả công tác lãnh đạo và thực hiện phòng, chống tham nhũng của UBND thành phố; tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng giữa UBND thành phố và Thanh tra Chính phủ; nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác phòng, chống tham nhũng.
UBND Thành phố khẳng định việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 theo "Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá và tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh" của Thanh tra Chính phủ là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng được đánh giá cả về định tính và định lượng.
Về nội dung đánh giá công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước được đánh giá qua việc thực hiện công khai, minh bạch theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiểm soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; kiểm soát tài sản thu nhập và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước được đánh giá qua việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm tra nội bộ trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện các biện pháp công khai, minh bạch; kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thực hiện chế độ trách nhiệm của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.
Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trực thuộc báo cáo đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của đơn vị mình và kết quả của thành phố theo lĩnh vực, nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để tổng hợp chung, xây dựng báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của UBND Thành phố.
DA