Nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo ưu thế cạnh tranh thu hút FDI
(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cần phối hợp, rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Thủ đô
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng năm 2024. Nhờ có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nên Hà Nội vẫn là địa phương tiếp tục hấp dẫn vốn đầu tư FDI.
Mới đây, tại buổi Họp báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TP. Hà Nội thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI (tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 120 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt 1.036,5 triệu USD; 78 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 55,21 triệu USD và 104 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 73,6 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2024, Thành phố có hơn 15.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn gần 149.200 tỷ đồng; có 6.012 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 17%). Luỹ kế, tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 391.880 doanh nghiệp.
TP. Hà Nội cũng đang chuẩn bị công tác tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Thủ đô đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính, đi đầu cả nước thực hiện mô hình phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục hành chính. Hàng trăm thủ tục được Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện.
"Điều này đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí và hạn chế nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong quá trình đầu tư. Vì vậy, đang có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào địa bàn trong thời gian tới", Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay.
Đồng thời cho biết, Thành phố cũng rất quan tâm tới việc lắng nghe chia sẻ, đề nghị của các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên nhiều lĩnh vực như thủ tục, chính sách đất đai, thuế…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa bàn, các doanh nghiệp trong nước và trên địa bàn Hà Nội cũng đang từng bước mạnh dạn hơn trong tham gia vào thị trường kinh doanh thời điểm này.
Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả
Để tiếp tục phát huy vai trò là "cánh tay nối dài" của các sở, ngành TP. Hà Nội, đặc biệt trong công tác xúc tiến đầu tư, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Ánh Dương khẳng định, năm 2024, Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát định hướng của Trung ương và thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; các chương trình của Thành ủy; chương trình, kế hoạch hành động của UBND Thành phố; các định hướng, chiến lược trong từng lĩnh vực xúc tiến.
Trung tâm cũng xác định rõ các thị trường trọng điểm, gắn kết đồng bộ cả 3 nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài; đồng thời, tổ chức xúc tiến đầu tư có chọn lọc theo đúng định hướng ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới; dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của Thành phố.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành công văn về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm của Thành phố; tham mưu các nội dung để lãnh đạo thành phố tham gia các đoàn Trung ương nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời, đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024 ban hành tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND của UBND Thành phố. Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
UBND Thành phố cũng yêu cầu tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết cụ thể…
Diệu Anh