Nét đặc trưng xây dựng Nông thôn mới Thủ đô

20/01/2023 10:40 AM

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của thành phố và triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là sự vào cuộc, hưởng ứng của nhân dân, đến nay kết quả xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân; đưa nông thôn phát triển theo hướng đô thị mang màu sắc đặc trưng của Thủ đô.

Nét đặc trưng xây dựng Nông thôn mới Thủ đô - Ảnh 1.

Một góc nông thôn mới xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Thực hiện chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" hướng tới 3 mục tiêu chính, gồm: Xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. 

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn; với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", thực chất, hiệu quả, cùng với sự nhất trí, đồng lòng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Hiện thành phố đã có thêm 3 huyện (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số có 15/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đã gieo cấy được 74,8 nghìn héc-ta lúa vụ mùa, bằng 97,1% cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây lâu năm tăng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng diện tích cây ăn quả và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao (đạt 23,5 nghìn héc-ta, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021).

Về chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế đến nay, thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong năm 2022, có 26/30 quận, huyện đăng ký với tổng số 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tính đến hết năm 2022 số lượng sản phẩm OCOP luỹ kế đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm.

Trong xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng có nhiều nét đặc thù riêng khi có nhiều địa phương phát triển từ huyện lên quận. Vì vậy, nhiệm vụ triển khai sẽ thực hiện song song 2 bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới nâng cao và tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận. Hà Nội đã có đề án đưa 5 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng phát triển thành quận theo lộ trình từ nay đến 2025. Theo đó, việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mới ở các địa phương này cần phải đẩy mạnh để phục vụ cho quá trình phát triển thành quận. 

Đồng thời, Hà Nội cũng xác định phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất, với việc chia ra 3 vùng để định hướng phát triển như: Các quận nội thành, các huyện định hướng chuyển thành quận và các huyện ngoại thành Hà Nội. Trong đó, 8 quận lõi không có đất sản xuất nông nghiệp sẽ thực hiện phát triển nông nghiệp đô thị; 4 quận còn đất sản xuất nông nghiệp và 5 huyện dự kiến phát triển thành quận sẽ phát triển nông nghiệp sinh thái trải nghiệm, du lịch; 13 huyện, thị xã vẫn còn xã, thị trấn sẽ vừa phát triển nông nghiệp sinh thái, chế biến sâu gắn với du lịch vừa phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Việc xác định được từng vùng để có cơ chế, chính sách tháo gỡ phát triển phù hợp, đồng bộ đưa nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô phát triển là một đô thị đặc biệt.

Nét đặc trưng xây dựng Nông thôn mới Thủ đô - Ảnh 2.

Thành tựu xây dựng nông thôn mới Thủ đô có sự chung tay, góp sức không nhỏ của người dân nông thôn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Nâng cao thu nhập người dân đạt 65 triệu đồng/người/năm

Theo ông Chu Phú Mỹ, với những kết quả đạt được, năm 2023, Hà Nội sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt từ 2,5%- 3%. Đồng thời phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường. Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Đồng thời phát triển nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, ngành nghề, làng nghề nông thôn. Trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm làng nghề tiêu biểu, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế so sánh và lợi thế về thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư nông thôn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, để đạt được mục tiêu đề ra Hà Nội cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đến bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện nông thôn mới. Đối với 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt, cơ bản đạt hoàn thành trong năm 2022.

Về nâng cao đời sống nông dân, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID- 19". Hỗ trợ người lao động có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội theo đối tượng người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều.

Thiện Tâm

Top