Ngăn chặn hóa, mỹ phẩm giả trên ‘chợ mạng’

20/03/2023 3:03 PM

(Chinhphu.vn) - Gần đây, tình trạng buôn bán hàng hóa mỹ phẩm nhập lậu, giả mạo, kém chất lượng... ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Nhiều đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội để mời chào nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng đến quyền người tiêu dùng.

Ngăn chặn hóa, mỹ phẩm giả trên ‘chợ mạng’ - Ảnh 1.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra một cơ sở chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội. Ảnh: VGP/DA

Liên tiếp bắt giữ các vụ mỹ phẩm giả

Bên cạnh những hàng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bày bán trên thị trường vẫn còn có không ít các sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, hàng nội địa của các thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai tại các cửa hàng, tạp hóa và trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, các trang thương mại điện tử… là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã nhập số lượng lớn hàng hóa mỹ phẩm kém chất lượng về bán dưới danh nghĩa hàng chính hãng giá rẻ để qua mắt người mua.

Chị Nguyễn Thị Hằng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Đợt vừa rồi tôi thấy quảng cáo dầu gội đầu của một thương hiệu nổi tiếng trên mạng, thấy giá rẻ hơn thị trường nên cũng tò mò đặt mua về dùng thử. Sau khi nhận hàng tôi mới biết mình bị nhầm, vì hàng này dùng không giống như hàng chính hãng, vỏ hộp có dấu hiệu bị cắt dán mà gội lên tóc khô, cứng hơn".

Tương tự, chị Phạm Thi Thu (đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay hàng hóa mỹ phẩm giờ bị làm giả rất tinh vi, rất khó để phân biệt. Chị Thu cho biết: "Tháng trước mình có mua một lọ nước hoa về dùng, mất tiền triệu mà về dùng thì mới biết mình mua phải hàng giả mạo. Tôi nghĩ người tiêu dùng cần biết chọn lọc, lựa chỗ bán hàng uy tín, chất lượng mà mua tránh mua lầm hàng giả, kém chất lượng".

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều kho hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng "khủng", không rõ nguồn gốc. Điển hình là ngày 23/2, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm tra và phát hiện tại một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ cùng gần 1 tấn bao bì tem nhãn. Toàn bộ số thuốc này đựng trong các túi lớn.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa cho biết, các đối tượng sử dụng căn hộ chung cư cao cấp có khâu an ninh được kiểm soát chặt chẽ làm điểm tập kết hàng hóa. Cách thức giao dịch rất tinh vi, thường xuyên thay đổi điểm chứa hàng hóa để tránh sự chú ý của người dân và cơ quan chức năng.

Mới đây, ngày 10/3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiêu hủy khoảng 15 tấn hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... bị thu giữ từ giữa năm 2022 đến nay. Tổng trị giá số hàng này gần 8,5 tỷ đồng, trong đó có 2.745kg sản phẩm thực phẩm chức năng, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, dầu gội đầu, sữa tắm, nước hoa…

Điều đáng nói, các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, thậm chí những sản phẩm để hỗ trợ và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh bị làm giả cũng không phải là hiếm.

Tăng cường kiểm tra, phối hợp tuyên truyền

Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng lậu, hàng giả, không bảo đảm chất lượng. Hàng hóa được các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong công tác kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.

Dù rất tích cực vào cuộc, kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan tới sản xuất, kinh doanh, làm giả hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng song theo các cơ quan chức năng việc kiểm soát vi phạm này không dễ dàng do hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.

Cùng với đó, một số sàn giao dịch thương mại điện tử chưa có biện pháp kỹ thuật để quản lý việc bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả. Thực tế này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, triển khai các giải pháp mới và đồng bộ hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc quản lý hoạt động kinh doanh hóa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đặc biệt là trên môi trường mạng.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn TP. Hà Nội thường xuyên vận động, tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật, tổ chức cho hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý chặt địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với các mặt hàng, đặc biệt là hàng hóa mỹ phẩm. Rà soát, nắm bắt thông tin của các đối tượng bán hàng qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook…, các trang thương mại điện tử. Qua đó, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Diệu Anh

Top