Ngành nông nghiệp triển khai Luật Thủ đô với tinh thần và tầm cao mới

09/08/2024 7:46 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 9/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì buổi làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND Thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Ngành nông nghiệp triển khai Luật Thủ đô với tinh thần và tầm cao mới- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì buổi làm việc. Ảnh: VGP/TT.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, tại Kế hoạch số 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì 4 nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là Nghị quyết của HĐND thành phố; 1 nội dung về rà soát đề xuất bổ sung quy hoạch chung Thủ đô, đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch đề điều, quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê về việc xây dựng các tuyến đê mới, việc sử dụng bãi sông, bãi nổi (theo quy định của Luật Thủ đô thuộc Điều 32, Khoản 2 Điều 17, Khoản 7 Điều 21). 

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Sở NN&PTNT đã có kế hoạch yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở tham mưu hiệu quả, đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn các nội dung Sở được giao chủ trì nêu trên. 

Trong đó, tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố ban hành trước 1/1/2025, gồm 2 nội dung: Quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan; Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng, loại công trình và tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Đồng thời, Sở NN&PTNT tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố ban hành sau khi Luật có hiệu lực thi hành gồm 2 nội dung: Quy định các biện pháp hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn (điểm c khoản 2 Điều 28); Quy định một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn (khoản 2 Điều 32). Đối với 2 nội dung này, Sở đã giao các phòng, ban, đơn vị được phân công chủ động rà soát, tham mưu triển khai xây dựng văn bản theo trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh đó, Sở tham mưu về rà soát đề xuất bổ sung quy hoạch chung Thủ đô, đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê về việc xây dựng các tuyến đê mới, việc sử dụng bãi sông, bãi nổi theo quy định của Luật Thủ đô (Khoản 2 Điều 17, Khoản 7 Điều 21). Nội dung này Sở đã giao Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với phòng Kế hoạch Tài chính chủ động rà soát, kịp thời tham mưu triển khai xây dựng văn bản đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.

Cùng với đó Sở được giao phối hợp 4 nội dung đối với văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố.

Ngành nông nghiệp triển khai Luật Thủ đô với tinh thần và tầm cao mới- Ảnh 2.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VGP/TT.

Để thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ được giao, tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT kiến nghị, đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố ban hành trước ngày 01/01/2025 có 2 nội dung nêu trên, cho phép Sở xây dựng thành 2 Nghị quyết vì do đây là 2 nội dung có tính chất độc lập với nhau, phạm vi ảnh hưởng khác nhau, nội dung về bãi sông chỉ có tác động đến một số địa phương có diện tích bãi sông, bãi nổi, trong khi việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp tác động đến tất cả các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Với nhiệm vụ thực hiện điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Đáy để xây dựng các tuyến đê mới, Sở đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở VH&TT đề xuất cụ thể vị trí, quy mô… để thực hiện các nội dung tại Khoản 2 Điều 17 và Khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô để Sở rà soát, tổng hợp, đề xuất đối với việc điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Đáy để xây dựng các tuyến đê mới.

Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo của Sở NN&PTNT, các ý kiến phát biểu của đại biểu tham sự, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT cần có sự ưu tiên những việc cấp bách để làm trước. 

Đối với công tác quy hoạch, Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ và bám sát với các Bộ để thẩm định quy hoạch chung, quy hoạch thành phố. Với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, Sở NN&PTNT cần rà soát kỹ xem nội dung nào phù hợp thì làm, nội dung nào không hiệu quả thì cân nhắc, nên tập hợp thành hệ thống văn bản mới quy hoạch Luật Thủ đô với một tinh thần mới, tầm cao mới, cần một tầm nhìn xa. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND TP ban hành trước 01/01/2025, trước mắt xây dựng thành 3 Nghị quyết ngắn gọn, cụ thể, đảm bảo chất lượng, có tính khả thi thời gian trình đầu năm 2025.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cũng lưu ý, Sở NN&PTNT trong công tác tuyên truyền của Sở, hình thức phải phù hợp, thống nhất tài liệu tập huấn, tránh hiểu sai. Nội dung này gửi Sở Tư pháp tổng hợp trước 1/9.

Thiện Tâm

Top