Để Luật Thủ đô phát huy hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống

06/08/2024 7:21 PM

(Chinhphu.vn) - Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 là bệ phóng và là “cơ hội vàng” tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Chính vì vậy, TP. Hà Nội đang tăng tốc, đẩy mạnh công tác phối hợp, thực hiện để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống.

Để Luật Thủ đô phát huy hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống- Ảnh 1.

Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 là bệ phóng và là “Cơ hội vàng” tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Ảnh internet

 Luật Thủ đô sửa đổi - không gian mới phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 vừa được Quốc hội khoá 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012), với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, với nhiều điểm mới và tiến bộ, Luật Thủ đô 2024, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, được đánh giá là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội trở thành đầu tàu phát triển của cả nước. Việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng, mong mỏi về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô phát triển xứng tầm trong tương lai.

Luật Thủ đô 2024 có những cơ chế đột phá, đặc thù, vượt trội trong Luật sẽ góp phần khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Đáng lưu ý, trong Luật Thủ đô 2024 có rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan trung ương cho TP. Hà Nội. Chẳng hạn như: cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng, phát triển nông thôn. Trong khi, Luật Thủ đô năm 2012 không có nội dung phát triển nông thôn.

Cùng đó, Luật Thủ đô 2024 quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Đây là quy định mới hệ thống luật pháp hiện hành chưa đề cập đến.

Còn theo PGS. TS. Trần Viết Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Tuyên giáo Trung ương nhìn nhận, Luật Thủ đô năm 2024 là không gian pháp lý hội đủ các nhân tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, tạo ra sức bật mới đưa Thủ đô vươn tầm cao mới.

Trong khi đó, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố.

Luật cũng đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Những điểm mới, nội dung đáng chú ý của Luật Thủ đô

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Luật Thủ đô sửa đổi 2024 có rất nhiều điểm mới được bổ sung, mở rộng, mang đến cơ hội cho Hà Nội phát triển bền vững và mạnh mẽ, trong đó, nổi bật là quy hoạch, xây dựng.

Luật cho phép Thành phố được điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên địa bàn Thành phố do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép phát triển một số loại công trình ở bãi sông, bãi nổi, phân quyền phê duyệt đầu tư các dự án ở bãi sông, bãi nổi cho UBND Thành phố.

Về khoa học công nghệ, Luật quy định bổ sung mới các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ về thu nhập, các nguồn lực, trang thiết bị; khi thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm thì được chủ động áp dụng các cơ chế về tuyển chọn, giao nhiệm vụ, cơ chế khoán sản phẩm.

Trong thực hiện chính sách xã hội, Thành phố được chủ động trong việc quy định về đối tượng, mức chi để thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội cao hơn hoặc ngoài các quy định của Trung ương.

Đối với nông nghiệp, nông thôn, Thành phố được ban hành các quy định hỗ trợ phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hiệu quả kinh tế cao; được quy định về tỉ lệ đất nông nghiệp tại vùng nông nghiệp tập trung để phát triển các công trình phụ trợ, phục vụ sản xuất nông nghiệp; được sử dụng đất tại bãi sông bãi nổi để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm.

Về thu ngân sách, Luật cho phép Thành phố được hưởng các khoản thưởng vượt thu so với dự toán được giao; được ban hành các loại phí, lệ phí mới hoặc tăng, giảm phí, lệ phí; được tăng hạn mức vay lên không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; được giữ lại toàn bộ tiền thu từ đất do Thành phố quản lý, tiền thu từ tín chỉ carbon trên địa bàn Thành phố.

Về chi ngân sách, Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi cho đầu tư phát triển; chi từ quỹ dự trữ tài chính với thời gian dài hơn, tỉ lệ cao hơn….

Đặc biệt, Luật cho phép được sử dụng nguồn chi thường xuyên để cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình, trụ sở tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để chi mua sắm tài sản, sửa chữa theo quy trình chi thường xuyên.

Về đầu tư công, Thành phố được phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp dự án do ngân sách địa phương bố trí, mà không bị giới hạn về mức vốn. Được phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập (đối với dự án nhóm B,C) nhằm giúp cho quá trình đầu tư công được thuận lợi, đơn giản hoá, đẩy nhanh quy trình thực hiện…

"Cơ hội vàng" cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới

Nhiều chuyên gia cho rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 chính là bệ phóng, đồng thời cũng là "Cơ hội vàng" tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới. Luật Thủ đô vốn dĩ đã đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 sửa đổi lần này lại càng đặc biệt hơn bởi những cơ chế đặc thù mới hơn, áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn các địa phương khác. Do đó, nhằm hoàn thiện bệ phóng thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND TP. Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 sớm đi vào cuộc sống.

Báo cáo tại đầu cầu Hà Nội ở Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch 225/KH-UBND ngày 22/7/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thi hành Luật.

Cụ thể, Hà Nội đã chủ động xây dựng Kế hoạch riêng về công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, tài liệu tập huấn để triển khai đến các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân của Thủ đô. Trước mắt, Thành phố xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1/1/2025.

Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thực sự tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, lãnh đạo thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó phân công cụ thể, xác định rõ trách nhiệm triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, trong đó có những nhiệm vụ mới, khó như việc quản lý, sử dụng không gian ngầm, hợp đồng BT.

Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quan tâm phối hợp trong việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, đặc biệt là việc xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức tuyên truyền, quán triệt Luật Thủ đô; tham gia, hỗ trợ, giúp đỡ Thành phố trong việc xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Thành phố để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Đề ra loạt nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất những nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Đối với những nội dung còn cần nghiên cứu, đánh giá, bảo đảm các điều kiện thực tiễn, nguồn lực thực hiện, sự đồng thuận của xã hội thì thực hiện thận trọng, chắc chắn, đề xuất ban hành khi đã đánh giá đầy đủ các yếu tố liên quan, phù hợp để triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành chủ động thực hiện việc rà soát các quy định hiện hành của Trung ương và TP. Hà Nội về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực để đề xuất việc xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thay thế các quy định có liên quan.

Về việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về Thủ đô phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung thiết thực và hình thức phù hợp đối với từng đối tượng.

Trước mắt, trong quý III, IV năm 2024 mở đợt phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô rộng rãi trước khi Luật có hiệu lực thi hành. Mặt khác, tổ chức các hội nghị tập huấn về Luật Thủ đô ở cả cấp thành phố, cấp huyện; tập huấn chuyên sâu về Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Tư pháp Hà Nội làm đầu mối, phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện hệ thống hóa, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định của Luật Thủ đô;

Rà soát để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thủ đô. HĐND, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô.

Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô thuộc phạm vi quản lý.

Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan căn cứ kết quả thi hành Luật Thủ đô chủ động đề xuất việc áp dụng quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có nội dung khác với quy định của Luật Thủ đô do việc áp dụng quy định đó sẽ thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô...

Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước. Hà Nội không chỉ là trung tâm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục mà còn là biểu tượng của sự phát triển đoàn kết và thịnh vượng của đất nước và được ví như trái tim của cả nước, nơi mọi mặt cuộc sống quan trọng hội tụ và lan tỏa ra toàn quốc.

Để phát triển Hà Nội lên tầm cao mới, Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 sẽ là "Cơ hội vàng" để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Thủ đô. Chính vì vậy, cần chung tay đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, đồng tình ủng hộ và coi việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 không chỉ là nhiệm vụ chung của thành phố, mà là nghĩa vụ của từng người để góp phần nâng phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Thùy Chi

Top