Ngày Doanh nhân nghĩ về doanh nghiệp vừa và nhỏ

13/10/2016 11:00 AM

(Chinhphu.vn) - Số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn Thành phố Hà Nội chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đây là khu vực DN có vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên các DN này vẫn đối diện với nhiều khó khăn để phát triển.

DNNVV đang thu hút số lượng lớn lao động của Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Dũng

Còn nhiều khó khăn

Theo Thống kê của Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đăng ký trung bình của các DNNVV giai đoạn 2011-2015 là 6,9 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thu nhập bình quân của người lao động trong các DNNVV của Hà Nội giai đoạn 2011-2015 đạt từ 4-6 triệu đồng/tháng. Tỷ trọng xuất khẩu của các DNNVV chiếm 20% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô. Số lao động làm việc tại các DNNVV tăng liên tiếp các năm qua...

Tuy nhiên, cũng như DNNVV ở các địa phương khác trên cả nước, DNNVV của Hà Nội gặp một số khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khó khăn đầu tiên phải tính đến đó là thiếu vốn và khó khăn trong tiếp cận các nguồn tài chính. Trong thời gian từ 2008-2013, lãi suất cho vay liên tục ở mức cao nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Ngay cả khi tiếp cận được rồi thì lãi suất cao và thời gian vay vốn ngắn cũng khiến các doanh nghiệp khó quay vòng vốn. Hiện nay, chỉ có khoảng 30% các DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ các nguồn khác.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra có tới 55% số hộ kinh doanh cá thể vẫn phải sử dụng nhà ở của mình làm địa điểm kinh doanh. Chỉ có 2% số hộ kinh doanh cá thể có địa điểm kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Đối với đối tượng doanh nghiệp, tỷ lệ sử dụng nhà làm địa điểm kinh doanh cũng lên tới 33%.

So với các DNNVV trên cả nước thì nguồn nhân lực của các DNNVV trên địa bàn Hà Nội được đánh giá là cao hơn, trong đó tỷ lệ chủ doanh nghiệp có trình độ trên đại học là 6% (so với tỷ lệ trung bình 1,3% của cả nước). Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực nói chung vẫn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do có quy mô nhỏ nên nguồn vốn đầu tư đào tạo chuyên môn cho người lao động còn hạn chế. Thêm vào đó, bản thân DNNVV khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm chất lượng làm việc trong khu vực DNNVV...

Phần lớn các DNNVV được trang bị máy móc thiết bị có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như Trung Quốc, Liên Xô cũ, Đông Âu, Đài Loan, Hàn Quốc… thuộc các thế hệ khác nhau và lạc hậu so với thế giới từ 10-20 năm...Cùng với đó liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa  các DNNVV và các doanh nghiệp lớn cũng như giữa các DNNVV với nhau ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở những bước sơ khai.

Tạo nhiều cơ chế cho DN phát triển

Các DNNVV tại Hà Nội hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế, xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, duy trì và phát triển làng nghề ở ngoại thành, góp phần thúc đẩy các ngành nghề mà trước đây chỉ khối doanh nghiệp nhà nước kinh doanh như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, dược phẩm, khám chữa bệnh v.v…

Một số DNNVV đã tạo ra được sản phẩm có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như điện tử, máy tính, xuồng máy, linh kiện ôtô, mở rộng thị trường trên cả nước, cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngành xây dựng đã có DNNVV tham gia thiết kế tư vấn và thi công các công trình lớn. Lĩnh vực dịch vụ công cộng (xe khách liên tỉnh, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng hóa) cũng có nhiều DNNVV tham gia. Một số DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đã vượt lên trở thành đối tác của các doanh nghiệp có tên tuổi trên thế giới như Microsoft, Intel, Canon, Samsung….

Chính vì vậy công tác hỗ trợ DNNVV của Hà Nội giai đoạn 2011-2015 đã có nhiều tâp trung tạo bàn đạp cho các DN có sức để phát triến trong những năm tới đây.

Việc đầu tiên Hà Nội tạo thông thoáng chính là thực hiện chế độ một cửa trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế, hải quan, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, thay đổi, cải tiến một số thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Từ ngày 1/1/2015, thời gian đăng ký kinh doanh chỉ còn là 3 ngày, thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng.

Về bảo lãnh tín dụng, UBND Thành phố đã giao Quỹ Bảo lãnh tín dụng thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2015, Quỹ không thực hiện được hợp đồng bảo lãnh tín dụng nào cho các DNNVV. Hiện, Thành phố đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đang hoàn thiện quy chế.

Hiện nay Hà Nội cũng thực hiện Chương trình khoa học công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thông qua việc cấp kinh phí thực hiện các đề tài, ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện công nghệ và đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng sản xuất, ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chủ lực của Thành phố.

Cùng với đó, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đang phối hợp thực hiện các chương trình: Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2011-2015; Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV khắc phục điểm yếu; Chương trình khuyến công giai đoạn 2011-2015; Chương trình đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011-2015 (CEO)....

Hiện Hà Nội cũng có chủ trương phát triển mô hình vườn ươm doanh nghiệp. Từ thành công của mô hình vườn ươm công nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội, sẽ phát triển và nhân rộng mô hình này vào một số lĩnh vực, ngành nghề như cơ khí, điện, điện tử, công nghệ thông tin…Hiện, UBND Thành phố đã phê duyệt chủ trương xây dựng Vườn ươm doanh nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo. Trên địa bàn Thành phố cũng đã có 42 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp là 88%.

Nguyễn Dũng

Top