Nghề kim hoàn với di sản văn hoá Thăng Long-Hà Nội

25/04/2023 8:22 PM

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề Kim hoàn năm 2023 (diễn ra từ ngày 22/4 đến 7/5), sáng 25/4, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội”.

Nghề kim hoàn với di sản văn hoá Thăng Long-Hà Nội - Ảnh 1.

Trình diễn kỹ thuật làm nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân. Ảnh: VGP/TL

Tọa đàm là dịp lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm kết nối các làng nghề, phố nghề, các nghệ nhân và thợ thủ công của nghề kim hoàn; xây dựng đình Kim Ngân và phố nghề Hàng Bạc trở thành một phố nghề tiêu biểu của khu phố cổ Hà Nội, một điểm đến góp phần phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch của quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố nói chung.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chia sẻ, Đề án Phát triển Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô đã coi phát triển thủ công mỹ nghệ - làng nghề truyền thống trở thành ngành "công nghiệp sáng tạo", có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nghề thủ công truyền thống được kỳ vọng là một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển. Quận Hoàn Kiếm coi nghề thủ công truyền thống là một nguồn tài nguyên.

Nghề kim hoàn là một trong nghề lâu đời, thuộc nhóm nghề đòi hỏi kỹ thuật rất cao, đem lại giá trị kinh tế lớn của Thăng Long-Hà Nội. Từ thế kỷ 16, những người làng Châu Khê (Hải Dương) đã lên Thăng Long để lập nghiệp, làm nên phố Hàng Bạc. Thợ kim hoàn từ các nơi khác cũng đến đây để sản xuất, kinh doanh đồ kim hoàn. Sau này, phố Hàng Bạc phát triển trở thành trung tâm buôn bán vàng bạc lớn của cả nước. Hà Nội còn có làng Định Công (nay thuộc quận Hoàng Mai) là nơi có nghề đậu bạc nổi tiếng. Ngoài ra, Hà Nội còn nhiều làng nghề kim hoàn, kim khí có giá trị văn hoá khác như: Nghề đúc đồng Ngũ Xã (quận Tây Hồ), nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…

Trong bối cảnh TP. Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đồng thời, Hà Nội cũng tập trung phát triển công nghiệp văn hoá, việc phát triển nghề kim hoàn không chỉ là bảo tồn một di sản truyền thống mà còn có vai trò quan trọng trong tạo ra những sản phẩm, dịch vụ để phát triển công nghiệp văn hoá.

Song, thực tế hiện nay, nghề kim hoàn tại Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Phố Hàng Bạc hiện chủ yếu là nơi kinh doanh vàng bạc và sản phẩm kim hoàn, việc sản xuất ngày càng hạn chế. Làng Định Công hiện chỉ còn một số ít hộ gia đình làm nghề; nghề bạc Định Công có kỹ thuật rất độc đáo nhưng chưa được nhiều người biết đến. Các nghệ nhân thường khéo tay nghề, nhưng yếu về khả năng thiết kế, sáng tạo những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường…

Tại toạ đàm, các nhà khoa học, nghệ nhân đã khẳng định giá trị của nghề kim hoàn trong dòng chảy văn hoá Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt, nhiều chuyên gia đã cho ý kiến về vấn đề phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, trong thích ứng với yêu cầu phát triển công nghiệp văn hoá đối với lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ như: Gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế, trang sức trong trường đại học; phát triển nghề kim hoàn cộng hưởng với nghề gốm sứ, đúc đồng; mtăng cường nguồn lực hỗ trợ nghệ nhân, thợ thủ công trong việc duy trì và truyền nghề…

Thùy Linh

Top