Người dân Làng cổ Đường Lâm cùng làm du lịch

30/04/2022 6:02 PM

(Chinhphu.vn) - Sáng 30/4, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã phối hợp với UBND xã Đường Lâm và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu các nét đẹp văn hóa của Làng cổ với sự tham gia của nhiều người dân địa phương.

Đây là hoạt động Chào mừng khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Hà Nội và phục vụ du khách nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Các hoạt động được tổ chức tái hiện nghề truyền thống nghề nhuộm củ nâu; trưng bày trang phục truyền thống; giao lưu các cụ cao tuổi ở Đường Lâm nói về văn hóa của làng; giới thiệu một số nét văn hóa Nhật Bản như trải nghiệm gấp giấy origami, trải nghiệm trang phục yukata của Nhật, và đặc biệt là tổ chức Cuộc thi Phụ nữ Đường Lâm sáng tạo các sản phẩm du lịch với sự tham gia của hơn 10 hộ dân...thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan, trải nghiệm.

Người dân Làng cổ Đường Lâm làm du lịch - Ảnh 1.

Cuộc thi Phụ nữ Đường Lâm sáng tạo các sản phẩm du lịch với sự tham gia của hơn 10 hộ dân. Ảnh: VGP/Minh Anh

Người dân Đường Lâm là chủ thể phát huy giá trị di sản làng cổ

Phó Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành phố và Thị xã Sơn Tây, đơn vị đã phát huy, mở rộng các giá trị văn hoá để khách du lịch thấy được giá trị của các di sản, từ đó có ý thức bảo tồn di tích lịch sử trong khu dân cư. Đồng thời giúp người dân - chủ sở hữu của các di tích nhà cổ biết cách khai thác giá trị di tích góp phần phát triển kinh tế. 

Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã tiến hành một số hoạt động du lịch và đã đạt được kết quả tốt, lượng khách biết đến cũng ngày một nhiều. Bà con rất phấn khởi khi du lịch đang từng bước trở lại.

Người dân Làng cổ Đường Lâm làm du lịch - Ảnh 2.

Các gia đình giới thiệu đặc sản của Làng cổ tới du khách. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng theo ông Nguyễn Trọng An, các hoạt động đã khai thác được rất nhiều giá trị di sản văn hoá của khu vực, không chỉ là ẩm thực mà còn có các đồ lưu niệm mang âm hưởng của làng cổ. Điều đó giúp bà con nơi đây vừa kiếm thêm được thu nhập, lại khích lệ sự sáng tạo của người phụ nữ Đường Lâm.

"Ở đây chúng tôi huy động không kể tuổi tác, từ những người phụ nữ trung niên, các bà lớn tuối đến các cháu học sinh đều tham gia hoạt động này. Những chiếc khăn, mũ, áo, giỏ đựng trứng, phong chè lam, bánh gai. Chúng tôi đã cố gắng tránh sử dụng túi nilong để góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi đề cao sử dụng các sản phẩm tái chế như vỏ hộp bìa các tông, những đồ vật ít gây hại nhất cho môi trường. Các sản phẩm thủ công, mây tre đan cũng nhận được sự yêu thích từ khách du lịch", ông Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Người dân Làng cổ Đường Lâm làm du lịch - Ảnh 3.

Khách tham gia sự kiện giới thiệu nét đẹp văn hóa Làng cổ Đường Lâm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Trong sáng 30/4, đã có rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đã đến tham quan và trải nghiệm các hoạt động tại làng cổ Đường Lâm. Ban Quản lý di tích làng cổ khuyến khích những nhà cổ mở cửa lại sau dịch nhưng phải chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch. Các chủ nhà cổ đã dọn dẹp sạch sẽ, sẵn sàng đón du khách với thái độ thân thiện để đem đến cho du khách trải nghiệm tốt nhất.

Trong tối ngày 30/4, Thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng về điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Theo Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, cùng với Làng cổ Đường Lâm, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây là một trong 4 tuyến phố đi bộ của TP Hà Nội. Tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của di tích Thành cổ Sơn Tây, kết hợp với các tuyến phố nội thị, các công trình văn hóa khu vực trung tâm nhằm tạo ra một không gian mang tính cộng đồng với âm hưởng hiện đại, nhộn nhịp, vui tươi, ấn tượng, mới lạ, sống động, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giao lưu sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, mua sắm, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi dịp cuối tuần; thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.

Minh Anh

Top