Người dân ngoại thành Hà Nội thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm OCOP

03/12/2022 3:11 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 2 và 3/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên và UBND huyện Sóc Sơn mở thêm Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện này.

Người dân ngoại thành Hà Nội thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Phú Xuyên nằm tại Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lợi, thôn Thanh Sơn, xã Sơn Hà. Với 9 sản phẩm OCOP 4 sao của đơn vị được trưng bày trong không gian Cửa hàng, đây sẽ là địa chỉ tin cậy quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên đến với đối tác, du khách đến với làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Đây là Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thứ hai được Sở Công Thương Hà Nội và huyện Phú Xuyên khai trương trong năm 2022, nâng tổng số Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên con số 5 Điểm.

Phát biểu tại lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại huyện Phú Xuyên diễn ra chiều 2/12, ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên  chia sẻ, Phú Xuyên nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam Thành phố, được mệnh danh là "đất trăm nghề", trong đó có 43 làng nghề truyền thống được công nhận, bên cạnh đó, huyện hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất chuyên canh sản xuất, chăn nuôi với sản phẩm an toàn, chất lượng, có thương hiệu (như: nhãn hiệu tập thể rau cần Khai Thái; măng tây xã Hồng Thái, Bưởi xã Bạch Hạ...).

Đồng thời, huyện Phú Xuyên hỗ trợ xây dựng, phát triển 135 sản phẩm OCOP của 38 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được đánh giá, phân hạng trên cơ sở sản phẩm truyền thống, lợi thế của huyện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo thương hiệu cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm của các làng nghề truyền thống (đồ gỗ, da giày, may mặc...).

Người dân ngoại thành Hà Nội thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Các đại biểu tham quan tại Điểm OCOP cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lợi. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Với việc mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, giúp lan tỏa, giải quyết được một số vấn đề cơ bản trong lưu thông hàng hóa. Những nơi có Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động hơn, buôn bán, kinh doanh hàng hóa tốt hơn.

Còn tại huyện Sóc Sơn, Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP nằm tại HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn). Tại đây, có sự góp mặt của nhiều sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao của các chủ thể trên địa bàn như: các sản phẩm rau hữu cơ Thanh Xuân, rau hữu cơ Trung Giã, nấm công nghệ cao KMS Minh Phú, nấm Tâm An Minh Trí, măng tây, dưa lưới Minh Trí, bánh chưng xanh Hải Yến 20, chuối tiêu hồng Nam Sơn, bưởi sạch Phú Cường, đu đủ Nam Sơn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Trái tim Hồng, nhóm sản phẩm chè an toàn Bắc Sơn, trà thảo dược Tâm Ngọc,…

Chia sẻ tại Lễ khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP diễn ra sáng 3/12, bà Hoàng Thị Hà, Trưởng phòng kinh tế huyện Sóc Sơn chia sẻ, đến nay, huyện Sóc Sơn đã có 76 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2022, huyện đã thẩm định, trình Thành phố công nhận 21 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 4 sao. Như vậy, đến hết năm năm 2022, huyện sẽ có 97 sản phẩm OCOP được Thành phố công nhận.

Song song với việc phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị, chất lượng cao. Nhằm không ngừng quảng bá, phát triển sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn. UBND huyện quan tâm tới việc phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm. Theo kế hoạch, đến hết năm 2022, huyện thực hiện phát triển 8 điểm giới thiệu, bán hàng OCOP trên địa bàn.

Để tiếp tục phát triển các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, bà Hoàng Thị Hà cũng đề nghị Sở Công thương Hà Nội tiếp tục hỗ trợ huyện để mở thêm nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đồng thời, là đầu mối kết nối các sản phẩm OCOP, các sản phẩm tiềm năng OCOP của huyện vào hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, hệ thống thương mại trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm chất lượng trên địa bàn xã. Phấn đấu mỗi xã có từ 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm đến khâu phát triển thương mại, bán hàng sản phẩm nhằm không ngừng phát triển quy mô, vị thế của sản phẩm OCOP.

Người dân ngoại thành Hà Nội thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Người dân ngoại thành thêm cơ hội mua sản phẩm OCOP tại các Điểm bán. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Về phía các chủ thể đều cho rằng, việc khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP chỉ là bước khởi đầu. Việc quan trọng sau đó là các chủ thể phải phấn đấu không ngừng cho ra đời nhiều hơn các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao để có chỗ đứng trên thị trường. Đặc biệt, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cùng làng nghề phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp đề nghị UBND các huyện Phú Xuyên, Sóc Sơn tiếp tục tích cực vào cuộc, thông tin, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có các địa điểm kinh doanh tham gia mạng lưới Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là phát triển Điểm OCOP tại các làng nghề truyền thống để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với du khách, đối tác tham quan làng nghề.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công Thương cùng UBND các quận, huyện phát triển thêm được 17 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 09 quận, huyện, nâng tổng số Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố là 67 Điểm. Góp phần kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ người tiêu dùng, du khách, từ đó nhận biết, ưu tiên lựa chọn tiêu thụ, góp phần quảng bá, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của Thủ đô và các tỉnh, thành phố.

Thùy Linh

Top