Người trẻ dân tộc Mông giới thiệu văn hóa truyền thống tại Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Giữa dòng chảy hiện đại, những người trẻ người Mông đến từ cao nguyên đá Hà Giang vẫn ngày ngày miệt mài gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc đến mọi người tại Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam.
Tình yêu văn hóa và khát khao lan tỏa bản sắc Mông
Sinh ra và lớn lên tại vùng núi đá tai mèo Đồng Văn, Hà Giang, Giàng Thị Dính và Giàng Thị Dia từ nhỏ đã thấm đẫm trong mình những giá trị văn hóa của người Mông. Tiếng khèn réo rắt trong lễ hội mùa xuân, những bộ váy thổ cẩm rực rỡ và cả câu chuyện về đời sống gắn bó với thiên nhiên đã trở thành một phần máu thịt trong tâm hồn họ.
Dính kể: "Từ nhỏ, tôi đã theo bà đi chợ phiên, nghe bà hát những bài dân ca Mông. Mẹ tôi thì tỉ mẩn ngồi thêu thổ cẩm từng đường kim mũi chỉ. Văn hóa Mông thấm vào tôi từ những điều giản dị như thế".
Nhưng khi lớn lên, Dính nhận ra rằng nhiều bạn trẻ trong bản dần quên đi tiếng nói, trang phục và cả những khúc hát của dân tộc mình.
Dia cũng chung nỗi niềm: "Tôi không muốn những giá trị quý báu của tổ tiên mình biến mất. Vì thế, khi biết đến Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam, tôi quyết định rời Hà Giang để đến đây cùng Dính góp sức bảo tồn văn hóa Mông".
Những ngày đầu ở Làng Văn hóa, Dính và Dia không khỏi bỡ ngỡ. Từ vùng núi cao heo hút xuống đồng bằng đông đúc, mọi thứ đều mới lạ với hai cô gái trẻ. Nhưng tình yêu văn hóa và khát khao lan tỏa bản sắc Mông đã giúp họ nhanh chóng hòa nhập.
Dính nhớ lại: "Ban đầu, nhiều du khách không hiểu về người Mông. Họ chỉ biết đến chúng tôi qua những hình ảnh trên báo chí. Nhưng khi được nghe chúng tôi kể chuyện, được thấy tận mắt cách làm thổ cẩm hay thưởng thức tiếng khèn Mông, họ bắt đầu yêu mến và trân trọng văn hóa của chúng tôi hơn".
Tiếng khèn Mông từ lâu đã trở thành biểu tượng của tình yêu và niềm vui. Với Dính và Dia, việc bảo tồn và truyền dạy cách thổi khèn là nhiệm vụ quan trọng. Dia cho hay: Tiếng khèn không chỉ dùng trong lễ hội mà còn là cách người Mông bày tỏ tình cảm. Khi trai gái yêu nhau, tiếng khèn là cầu nối. Nhưng bây giờ, nhiều bạn trẻ không biết thổi khèn nữa.
Tại Làng Văn hóa, Dia thường xuyên biểu diễn khèn Mông và hướng dẫn du khách cách thổi những giai điệu đơn giản. Dia hào hứng kể: Có lần, một du khách nước ngoài đã ngồi học thổi khèn cả buổi. Dù không thành công nhưng anh ấy rất vui và nói rằng sẽ kể lại trải nghiệm này cho bạn bè ở quê nhà.
Người trẻ với ý thức truyền lửa văn hóa dân tộc Mông
Không chỉ giữ gìn tiếng khèn, Dính và Dia còn tận tâm với nghề thêu thổ cẩm. Trong căn nhà Mông tại Làng Văn hóa, hai cô gái thường xuyên ngồi thêu những hoa văn truyền thống rực rỡ.
"Thổ cẩm của người Mông không chỉ là trang phục mà còn là câu chuyện về cuộc sống, về thiên nhiên và tâm hồn của người phụ nữ Mông. Mỗi họa tiết đều có ý nghĩa riêng" - Dính giải thích.
Theo lời kể của Dia, nhiều du khách khi đến đây đã không ngần ngại ngồi học thêu cùng Dính và Dia. Có cô bé từ Hà Nội lên, ban đầu chỉ muốn chụp ảnh, nhưng sau khi nghe chúng tôi kể chuyện đã ngồi thêu cả buổi. Cô bé còn nói rằng sẽ mang sản phẩm thêu về làm quà cho mẹ.
Tại Làng Văn hóa, Dính và Dia thường tổ chức các buổi trò chuyện bằng tiếng Mông và dạy chữ viết cho du khách để mọi người có thể hiểu thêm hơn về tiếng nói và chữ viết dân tộc Mông. Dính kể, trước đó có một gia đình người Việt kiều từ Mỹ đã rất xúc động khi thấy chúng tôi viết chữ Mông. Họ nói rằng điều này giúp họ hiểu thêm về sự đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Dù còn trẻ, nhưng Dính và Dia đều ý thức được trách nhiệm truyền lửa văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau. Họ không chỉ bảo tồn mà còn sáng tạo để văn hóa Mông được tiếp cận gần hơn với giới trẻ.
"Chúng tôi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, hướng dẫn du khách thêu thổ cẩm, thổi khèn và kể chuyện về phong tục tập quán của người Mông. Mỗi lần nhìn thấy ánh mắt háo hức của du khách, tôi lại thấy công việc của mình ý nghĩa hơn", Dính bày tỏ.
Dia cũng khẳng định: "Nếu thế hệ trẻ chúng tôi không làm, văn hóa Mông sẽ dần mai một. Vì thế, tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, cả người Mông và người Kinh, để mọi người được hiểu và yêu văn hóa dân tộc mình hơn".
Như tiếng khèn vang vọng giữa đại ngàn cao nguyên đá Hà Giang, hành trình của Giàng Thị Dính và Giàng Thị Dia không chỉ là chuyện gìn giữ văn hóa, mà còn là lời mời gọi đầy tự hào gửi đến thế hệ trẻ: Hãy cùng bước vào vũ điệu của bản sắc, để mỗi nhịp chân, mỗi giai điệu đều chạm đến cội nguồn và bay xa trên hành trình hội nhập. Bởi văn hóa chỉ thực sự sống khi có những người trẻ dám yêu và làm mới nó mỗi ngày.
Minh Thúy