Đưa tiếng đàn Klông pút đến gần hơn với Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trong văn hóa của người Xơ Đăng, tiếng đàn Klông pút không đơn thuần chỉ là nhạc cụ mà còn là tiếng lòng của những người Xơ Đăng, là giai điệu của cuộc sống gắn bó với nương rẫy, là sợi dây gắn kết cộng đồng trong những đêm hội đoàn kết của đồng bào.
![Đưa tiếng đàn Klông pút đến gần hơn với Thủ đô- Ảnh 1. Đưa tiếng đàn Klông pút đến gần hơn với Thủ đô- Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2025/2/3/z62330576250270dcb1d1557a59b7ee3dc9084d99c4cdd-1738573506912556003499.jpg)
NNƯT Y Sinh đã cống hiến không ngừng nghỉ trong hành trình bảo tồn và truyền bá âm nhạc dân tộc. Ảnh: VGP/Minh Thúy
Người giữ lửa nhịp đàn Klông pút
Ở tuổi 67, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Y Sinh vẫn miệt mài vỗ từng nhịp đàn Klông pút. Dưới đôi tay khéo léo của bà, từng ống lứa như được đánh thức, ngân vang những thanh âm kỳ diệu của núi rừng Tây Nguyên mang đậm hồn cốt của dân tộc Xơ Đăng.
"Ngày ấy, đàn Klông pút đơn sơ mộc mạc, âm thanh tuy chưa vang vọng như bây giờ nhưng cái tình, cái hồn thì trầm bổng trong từng nhịp vỗ. Những đêm trăng sáng, buôn làng lại quây quần bên nhau, đôi bàn tay của các bà, các mẹ khẽ chạm vào ống lứa, để âm thanh ngân xa như lời ru dịu dàng của đại ngàn", bà Y Sinh nói.
Thời gian trôi đi, cuộc sống hiện đại dần len lỏi vào buôn làng khiến tiếng đàn Klông pút thưa dần. Người trẻ khi ấy dần chạy theo nhạc cụ hiện đại, những giá trị truyền thống bị xem là lỗi thời. Nhưng với Y Sinh, tình yêu dành cho âm nhạc và văn hóa dân tộc như dòng chảy không ngừng nghỉ trong trái tim, nữ nghệ nhân trăn trở: "Nếu để mất đi tiếng đàn, người Xơ Đăng sẽ mất một phần linh hồn".
Những ngày đầu, Y Sinh chỉ biểu diễn trong làng, giữa những ánh mắt thân thuộc của bà con. Nhưng rồi, không ngại đường xa, bà lặn lội đến các tỉnh lân cận, mang tiếng đàn Klông Pút vang vọng khắp mọi nơi. Mỗi lần đứng trên sân khấu nhỏ, dù mệt nhọc vì quãng đường dài, bà chỉ cần nhìn ánh mắt rạng ngời của khán giả là lòng lại tràn đầy hứng khởi.
Không dừng lại ở việc biểu diễn, Y Sinh luôn nỗ lực khơi dậy tình yêu với Klông Pút trong thế hệ trẻ. Bà không chỉ dạy cách vỗ đàn, mà còn kể những câu chuyện đầy chất thơ về nguồn gốc nhạc cụ, về cuộc sống hoang dã mà gắn bó của người Xơ Đăng với núi rừng.
Suốt thời gian ấy, bà đã truyền dạy nghệ thuật chơi Klông Pút cho hàng trăm học trò, từ những đứa trẻ nghèo vùng cao đến các sinh viên say mê văn hóa dân tộc tại thành phố lớn. Nhiều học trò của bà giờ đây đã trở thành những nghệ nhân thực thụ, tiếp tục nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị của Klông Pút.
Để tiếng đàn Klông pút vang vọng giữa lòng Thủ đô
Năm 2015, NNƯT Y Sinh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý, một sự ghi nhận xứng đáng không chỉ cho tài năng mà còn cho những cống hiến không ngừng nghỉ trong hành trình bảo tồn và truyền bá âm nhạc dân tộc.
Tuy nhiên, với bà Y Sinh, hành trình ấy chưa bao giờ dừng lại ở một danh hiệu. Mang trong mình khát vọng giữ gìn di sản cha ông, bà quyết định rời quê hương Kon Tum, đến Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, nơi được mệnh danh là "đại ngàn Tây Nguyên thu nhỏ" giữa lòng thủ đô Hà Nội. Tại đây, bà không chỉ bảo tồn âm nhạc dân tộc mình mà còn miệt mài truyền dạy cho các thế hệ kế cận.
![Đưa tiếng đàn Klông pút đến gần hơn với Thủ đô- Ảnh 2. Đưa tiếng đàn Klông pút đến gần hơn với Thủ đô- Ảnh 2.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2025/2/3/z623305764027223f795c70f10c493dc2a533831e37d45-1738573570933614000458.jpg)
Tiếng đàn Klông Pút không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là biểu tượng văn hóa, là tiếng nói kết nối giữa các thế hệ và là nhịp cầu gắn kết cộng đồng Xơ Đăng. Ảnh: VGP/Minh Thúy
Nghệ nhân Y Sinh tâm sự: "Ngày tôi về Làng, tôi hiểu rằng bảo tồn văn hóa dân tộc không phải là việc của một người, mà là trách nhiệm lớn lao với hành trình dài hơi. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, tôi có cơ hội tiếp tục gìn giữ và lan tỏa giá trị quý báu của dân tộc mình".
Những ngày đầu đặt chân đến Làng, bà vẫn nhớ như in hình ảnh các học viên từ Kon Tum, đôi mắt sáng lên niềm tò mò và khát khao học hỏi. Ở tuổi gần 70, dù đôi mắt đã mờ, đôi chân chậm hơn và lưng chẳng còn thẳng thớm, bà vẫn kiên trì từng buổi học, say mê từng nốt nhạc bằng tất cả sự nhiệt tình, tận tụy truyền dạy từng kỹ thuật, từng điệu đàn. Dưới bàn tay bà, những đứa trẻ được chỉ bảo cách chế tác đàn Klông Pút, cách chơi đàn T'rưng, để rồi âm thanh từ núi rừng Tây Nguyên được cất cánh, chạm đến trái tim của nhiều người.
Trong suốt 7 năm gắn bó với Làng, NNƯT Y Sinh không chỉ tham gia biểu diễn mà còn tiếp tục trực tiếp giảng dạy. Các khóa học mà bà phụ trách thường đón từ 6 đến 8 học sinh, chủ yếu là các em nhỏ đến từ Kon Tum. Bà trao truyền không chỉ kỹ năng chơi đàn mà còn cả niềm đam mê và tình yêu sâu sắc với âm nhạc dân gian Xơ Đăng.
Với bà, đàn Klông Pút không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là biểu tượng văn hóa, là tiếng nói kết nối giữa các thế hệ và là nhịp cầu gắn kết cộng đồng Xơ Đăng. Đàn Klông Pút vang lên giữa rừng sâu khi người dân đi rẫy, hay hòa quyện trong các đêm lễ hội tại nhà rông, như một lời mời gọi yêu thương giữa những buổi chiều mưa rừng.
Khi được hỏi về ước nguyện lớn nhất, bà chỉ cười: "Tôi chỉ mong đến ngày tiếng đàn không chỉ vang lên trong lễ hội, mà trở thành một phần của đời sống hằng ngày. Để khi đi qua bất cứ làng Xơ Đăng nào, người ta đều nghe thấy tiếng Klông Pút, như nghe thấy nhịp đập của núi rừng". Bởi đối với Y Sinh, Klông Pút không chỉ là một nhạc cụ mà còn là tiếng lòng của con người Tây Nguyên, là sự sống động của một nền văn hóa. Khi tiếng Klông Pút tiếp tục vang lên, mỗi nhịp đàn không chỉ là một giai điệu, mà còn là lời nhắn nhủ rằng: Hãy yêu thương, gìn giữ, và trân trọng cội nguồn của mình.
Hành trình của người nghệ nhân Xơ Đăng Y Sinh không chỉ dừng lại ở bảo tồn văn hóa dân tộc, bà còn là người giữ ngọn lửa đoàn kết trong cộng đồng với vai trò Trưởng Ban đoàn kết cộng đồng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Bà luôn tâm niệm rằng mọi dân tộc đều là anh em ruột thịt, dù là người Kinh hay Xơ Đăng, Gia Rai hay Ba Na, tất cả đều là con cháu của đất nước hình chữ S. Bà đã cùng bà con dựng lại cây nêu giữa làng Xơ Đăng ba lần, giữ lại những nét văn hóa truyền thống của người Xơ Đăng giữa lòng Thủ đô.
Giữa những đổi thay của cuộc sống hiện đại, vai trò của những nghệ nhân như Y Sinh càng trở nên quan trọng. Họ không chỉ là người giữ gìn văn hóa, mà còn là cầu nối để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống.
Minh Thúy