Nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn

18/03/2022 4:44 PM

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên động vật, dịch COVID-19, việc nhân rộng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi, bởi đây là bước tạo đà để ngành chăn nuôi thúc đẩy sản xuất, có cơ hội tăng trưởng sau những khó khăn phải đối mặt trong thời gian qua.

Nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn - Ảnh 1.

Chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: VGP/Thành Nam

Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện tại, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết, với 59 chuỗi có nguồn gốc động vật. Một số chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khép kín hoạt động hiệu quả như: Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm A-Z của Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội), chuỗi trứng Tiên Viên...

Ngoài ra còn có các mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng an toàn sinh học; ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn với tổng quy mô 300 nghìn con tại 63 điểm với 362 hộ tham gia ở các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai chia sẻ, hiện nay trang trại có 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ.

"Hiện sản phẩm thịt lợn của hợp tác xã được phân phối đến hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn huyện và nhiều nơi lân cận, được người tiêu dùng ưa chuộng", ông Nguyễn Trọng Long chia sẻ thêm.

Là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, có tốc độ tăng trưởng cao, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, quy mô lớn…; đồng thời tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đến nay đã có 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn dịch bệnh.

Có thể nói, việc hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi mà còn đưa ra thị trường một lượng lớn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Mặc dù việc phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh mang lại nhiều lợi ích nhưng trong quá trình triển khai còn không ít khó khăn do kinh phí đầu tư lớn. Mặt khác, có một thực tế là chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y trong khi tỷ lệ tiêm phòng và quy trình giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa đạt yêu cầu nên vẫn xảy ra các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò... gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm

Để xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện. Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các trại chăn nuôi trong khu dân cư nhằm đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi và giữ vững an sinh xã hội.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, các khu giết mổ tập trung xa khu dân cư tại các vùng sản xuất chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của các cơ sở giết mổ.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch…

Thành Nam

Top