Chăn nuôi Thủ đô - Thách thức và cơ hội

15/03/2022 7:25 PM

(Chinhphu.vn)- Vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, thời gian qua ngành chăn nuôi của Hà Nội vẫn duy trì phát triển, thuộc tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, năm 2022 được xem là năm có nhiều thách thức lớn, buộc ngành chăn nuôi Thủ đô phải thích ứng linh hoạt, tìm cơ hội và giải pháp phát triển phù hợp.

Chăn nuôi Thủ đô- Thách thức và cơ hội - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi gà tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, năm 2021 là một năm đầy thách thức với ngành Chăn nuôi trước đại dịch COVID-19. Nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các các ngành, sự chung tay góp sức của người chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội vẫn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, hiện nay ngành chăn nuôi cũng gặp phải nhiều thách thức lớn do thị trường sản phẩm chăn nuôi có nhiều biến động khó lường. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi xuất chuồng biến động quá mạnh, dao động từ 40-75 nghìn đồng/kg, đặc biệt có thời điểm xuống 30-35 nghìn đồng/kg do ảnh hưởng của giãn cách xã hội và dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại một số huyện.

Bên cạnh đó, thời gian tới khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diến biến phức tạp cộng với Chiến sự ở Nga-Ukraina, Chính phủ cho mở cửa du lịch thì giá cả sản phẩm của lợn chắc chắn có nhiều biến động. Người chăn nuôi rất khó lường trong việc nhập đàn, tái đàn, xây dựng kế hoạch, quy mô sản xuất. 

 Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng rơi vào cảnh tương tự, đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với ngành, vừa bị ảnh hưởng của COVID-19, vừa bị ảnh hưởng của xung đột chính trị giữa Nga-Ukraina thì việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về Việt Nam sẽ rất khó khăn. Năm qua, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 20-40% tùy theo loại nguyên liệu dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng cao. Nguyên nhân dẫn đến tăng giá thức ăn chăn nuôi là giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19 nên chi phí vận chuyển cũng tăng. Giá xăng dầu trên toàn cầu tăng mạnh đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển tất cả các mặt hàng liên quan đến chăn nuôi như: Thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, con giống, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tăng chi phí đầu vào sẽ biến động khó lường.

Dịch bệnh truyền nhiễm trên người và động vật đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường; tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu, làm phát sinh những biến động lớn của thị trường. Ngoài ra, việc toàn cầu hóa về thị trường xen lẫn các hình thức bảo hộ sản xuất và chiến tranh thương mại tác động lớn các chuỗi cung ứng; cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới; trong đó có Hiệp định thế hệ mới (CPTPP; EVFTA),.. Ngoài ra, do yêu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng phải ngon hơn, an toàn thực phẩm cao hơn, giá thành sản xuất phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế cạnh tranh đã khiến Hà Nội bị tác động trực tiếp, liên quan nhiều đền thị trường tiêu thụ.

Thách thức và cơ hội

Hiện nay, cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng và yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao; các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiêp tuần hoàn, nông nghiệp số. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu ngành chăn nuôi Hà Nội không đổi mới, tăng khả năng thích ứng và bắt kịp xu hướng phát triển thì mất cơ hội cạnh tranh, rất khó khôi phục, hội nhập.

Tuy nhiên, thách thức thường gắn liền với cơ hội. Năm 2022, cơ hội đối với ngành chăn nuôi sẽ rất lớn, từ cuối tháng 3/2022 Việt Nam mở cửa du lịch, số lượng người đi du lịch trong nước cũng như khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, đây chính là cơ hội lớn để việc sử dụng động vật, sản phẩm động vật tăng nhanh. Thời gian tới, khi người dân đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ, các hoạt động trở lại trạng thái bình thường, học sinh, sinh viên trở lại trường học thì việc tiêu thụ sản phẩm động vật sẽ nhiều lên. Việc mở cửa thị trường cũng giúp các nước hội nhập tiêu thụ lớn, ngành chăn nuôi cũng sẽ có hướng xuất khẩu cao hơn. Nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể lớn mở cửa sẽ là cơ hội lớn để tăng mạnh lượng tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật.

Bên cạnh đó, Hà Nội hiện đã và đang có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi như: Chính sách về hỗ trợ giống, phòng chống dịch bệnh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; tái cấu trúc ngành chăn nuôi. Riêng với chăn nuôi bò sữa, bò thịt, thành phố đã ban hành kế hoạch phát triển giai đoạn 2022- 2025 và hiện nay mới đáp ứng khoảng trên 20%, còn đâu phải nhập từ các tỉnh. Trải qua những khó khăn, biến động lớn về chăn nuôi những năm qua, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ giảm nhanh vì hiệu quả thấp, tạo điều kiện tốt nhất để các trang trại chăn nuôi lớn, có liên kết có cơ hội phát triển. Việc chuyển đổi số với ngành nông nghiệp cũng là cơ hội rất lớn với ngành chăn nuôi trong năm 2022 nhằm nâng cao việc quản lý ngành, quản lý dữ liệu chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay Bộ NN& PTNT, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung triển khai với các đơn vị chuyên ngành sớm đưa chuyển đổi số vào ngành chăn nuôi để có bước chuyển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Thời gian tới, ngành chăn nuôi Thủ đô sẽ tập trung phát triển theo hướng sản xuất giống, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi theo quy trình bảo đảm vệ sinh môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi tuần hoàn, theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ, thực hành chăn nuôi tốt. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình xây dựng mã định danh quốc gia cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi gắn với chuyển đổi số; triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp trong nước, quốc tế để nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển sản xuất thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Về môi trường và công nghệ chăn nuôi, tập trung thực hiện việc tổng hợp, cập nhật dữ liệu môi trường chăn nuôi 2022 về số trang trại lớn, vừa, nhỏ; nông hộ; xử lý chất thải; các loại công nghệ áp dụng; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thông qua việc giám sát dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng các bệnh truyền nhiềm nguy hiểm; tổ chức tốt việc tổng tấy uế môi trường để ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh nhất là đối với các bệnh mới, chủng mới; tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại.

Về thị trường và lưu thông sản phẩm, ngành tiếp tục đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đồng thời hỗ trợ vận chuyển lưu thông hàng hóa, không để phát sinh thủ tục kiểm tra không cần thiết làm ách tắc hàng hóa. 

Thiện Tâm

Top