Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới Thủ đô

21/04/2023 1:19 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới Thủ đô có 33 chỉ tiêu, trong đó 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc bảo đảm lộ trình đạt kế hoạch. Điển hình có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và hoàn thành so với mục tiêu của chương trình năm 2025.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới Thủ đô- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo TP. Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội... tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Ngày 21/4, Ban chỉ đạo chương trình 04- CTr/TU của Thành ủy khóa XVII tổ chức Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Theo Ban Chỉ đạo chương trình, tính đến nay, Thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch Chương trình), gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021-2025 có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (5 huyện còn lại đạt chuẩn nông thôn mới). Về huyện nông thôn mới nâng cao, qua kết quả thẩm định có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; bên cạnh đó có 2 huyện: Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ vượt chỉ tiêu chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 các huyện, thị xã đăng ký có thêm 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến đến hết năm 2023 lũy kế Thành phố có tổng số 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu, còn thiếu 17 xã đạt mục tiêu chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ngoài ra, công tác cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất tạo năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao được quan tâm chú trọng. Năm 2022, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58% so cùng kỳ (đạt chỉ tiêu, kế hoạch Thành phố giao). Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 (theo giá so sánh) ước đạt 40.638,4 tỷ đồng, tăng 2,61% so với năm 2021.

Trong quý I/2023, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,11%. Sản xuất nông nghiệp nhìn chung đảm bảo tiến độ khung thời vụ, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các địa phương quan tâm thực hiện. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng so với năm 2021 (năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm). Trong đó có một số huyện thu nhập cao như: Thạch Thất 91 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng đạt 73 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức 72 triệu đồng/người/năm,... Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn Thành phố năm 2022 đạt 92,5%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; 85% hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn...

Có thể thấy, chương trình dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình được chuyển biến rõ rệt; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hoá - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ; nông thôn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú...

Chương trình 04 có 33 chỉ tiêu, trong đó 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch. Điển hình có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2022 và hoàn thành so với mục tiêu của chương trình năm 2025 như: Tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố; sản phẩm OCOP được công nhận...

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới Thủ đô- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại Hội nghi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình có tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, để hoàn thành mục tiêu chương trình năm 2025, Thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Đồng thời tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các cấp, các ngành, nhằm phát hiện mô hình mới, cách làm sáng tạo, để chỉ đạo phổ biến nhân rộng.

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch xây dựng nông thôn mới Thủ đô- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghi. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp của Thủ đô có sự khác biệt đối với các tỉnh khác. Đó là giá trị văn hóa, bản sắc lịch sử và nhiều dấu ấn của địa danh Hà Nội trong sản phẩm... Chính điều đó đã làm nên những giá trị, thương hiệu và gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan biểu dương kết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô đạt được trong thời gian qua và gợi mở cho Hà Nội những việc cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Hà Nội đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cung cấp lương thực thực phẩm cho cư dân đô thị, tăng gắn kết giữa đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, với những lợi thế vốn có Hà Nội có thể hình thành các trung tâm nông công nghiệp; trung tâm đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp và chuỗi ngành hàng; phát triển các mô hình bất động sản nông nghiệp – vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi sinh sống cho người dân nội đô dịp cuối tuần; phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn bài bản để khai thác tối đa các giá trị của Thủ đô.

Thiện Tâm

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội

Top