Nhiều giải pháp để Hà Nội nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

31/05/2024 10:03 AM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt từ 85% mức độ hài lòng của người dân như: Triển khai Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền số, Cung cấp thông tin về các chính sách cho người dân trên nhiều lĩnh vực…

Nhiều giải pháp để Hà Nội nâng cao chỉ số hài lòng của người dân- Ảnh 1.

Bộ phận Một cửa của quận Hoàn Kiếm - Ảnh: VGP

Mục tiêu tạo đột phá mạnh mẽ trong cải cách hành chính

Ngày 17/4/2024, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo kết quả này, Chỉ số CCHC - PAR INDEX của Hà Nội đạt 91,43 điểm (tăng 1.85 điểm so với năm 2022); giữ vững vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố (năm 2022 xếp thứ 3/63); đứng thứ 02 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ số Hài lòng - SIPAS của thành phố Hà Nội đạt 83.57% (tăng 3.41%); xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2022 (năm 2022 xếp thứ 30/63); đứng thứ 02 trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương, hoàn thành chỉ tiêu đề ra năm 2023.

Chia sẻ về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2023, Hà Nội xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp của thành phố, chất lượng phục vụ tổ chức và người dân. 

Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã ban hành 76 văn bản liên quan đến kiểm soát  thủ tục hành chính (TTHC), cải cách TTHC, chuyển đổi số của thành phố; thành phố đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các TTHC khi thực hiện trong các lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Thuế.

Năm 2024, Thành phố đặt ra nhiệm vụ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Theo đó, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương; Huy động nguồn lực cho cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; Đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội.

Phấn đấu Chỉ số SIPAS đạt từ 85% mức độ hài lòng của người dân

Để thúc đẩy các mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa yêu cầu các cơ quan liên quan nâng cao Chỉ số Cải cách hành chính - PAR INDEX, Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI năm 2024.

Mục tiêu đặt ra là tiếp tục duy trì các chỉ số, chỉ số thành phần đạt kết quả cao; cải thiện, nâng cao các chỉ số, chỉ số thành phần chưa có sự cải thiện, đạt điểm thấp. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo chuyển biến đồng bộ, thực chất trên các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu Chỉ số PAR INDEX của Thành phố năm 2024 tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu cả nước. Chỉ số SIPAS tiếp tục có sự cải thiện cả về tỷ lệ hài lòng chung và thứ bậc so với năm 2023.

Phấn đấu Chỉ số SIPAS đạt từ 85% mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; Chỉ số PAPI tiếp tục trong nhóm 1 (nhóm Cao) của cả nước.

Để nâng cao các Chỉ số: PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2024, Hà Nội đang xây dựng kế hoạch khắc phục, cải thiện nâng cao đối với các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa; sửa đổi, bổ sung Bộ Chỉ số CCHC áp dụng đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã giai đoạn 2023-2030; Hoàn thành phương án đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Các chỉ tiêu cần cải thiện, nâng cao tại Chỉ số Hài lòng SIPAS trong năm 2024 là: Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách 84.90; Trách nhiệm giải trình của chính quyền mục tiêu 85.12%; Chất lượng tổ chức thực hiện chính sách 84.84%;

Việc cung ứng dịch vụ hành chính công, chỉ số cần cải thiện là: Tiếp cận dịch vụ 85.49%; Thủ tục hành chính 85.59%; Công chức trực tiếp giải quyết công việc 85.49%; Kết quả dịch vụ 85.10%; Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị 83.97%

Bên cạnh đó, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố; Triển khai Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền số theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, an toàn và bảo mật thông tin; triển khai xây dựng đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch, thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch theo quy định.

Để nâng Chỉ số Hài lòng về "Xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách", nhiệm vụ đặt ra là cung cấp thông tin về các chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương theo dõi, quản lý (tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa thôn, bảng thông tin công cộng, khu dân cư, nhà cao tầng, mạng xã hội, truyền hình, báo, đài..), giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận, giám sát.

Tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại, hòm thư góp ý, trang thông tin điện tử, mạng xã hội… để người dân có cơ hội tham gia góp ý đối với quá trình xây dựng chính sách và phản hồi ý kiến về kết quả, tác động của các chính sách. Triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị để nắm bắt yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức

Triển khai nội dung chính sách tại địa phương, trọng tâm 9 nhóm chính sách: kinh tế; khám chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; an sinh xã hội; cải cách hành chính

Để nâng Chỉ số Hài lòng về "Cung ứng dịch vụ hành chính công", TP. Hà Nội đang xây dựng Bộ Chỉ số CCHC áp dụng đối với các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn Thành phố; Xây dựng Bộ Chỉ số CCHC áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành phố.

Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng giải quyết công việc nói chung và giải quyết hồ sơ TTHC nói riêng của cơ quan hành chính nhà nước: Thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trong giải quyết hồ sơ TTHC cho cá nhân, tổ chức đảm bảo đúng thời gian, trường hợp giải quyết TTHC trễ hạn phải thực hiện thư xin lỗi cá nhân, tổ chức theo quy định.

Thành phố cũng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật.

Gia Huy

Top