Nhiều giải pháp nhằm cải thiện, thu hút đầu tư vào Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Trao đổi tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra trong sáng 4/6, các đại biểu đã tham vấn và đề xuất nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư và hợp tác phát triển của Hà Nội trong thời gian tới.
Các đại biểu tham gia Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” |
Phải đi đầu trong thu hút đầu tư
Theo Bộ tưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các giải pháp thu hút đầu tư cho TP Hà Nội sẽ là phát triển 5 Thành phố vệ tinh giúp TP Hà Nội phát triển các khu vực ngoại vi, giảm tắc nghẽn cho khu vực trung tâm, diện tích Thành phố mở rộng theo hướng phát triển hướng biên sẽ giúp cho các nhà đầu tư phát triển giao thông, bất động sản… đồng thời, các Thành phố có sự kết nối với nhau, qua đó bổ sung, hỗ trợ nhau phát triển.
Hà Nội cần trở thành một đô thị xanh và sáng tạo, không chỉ phát triển cây xanh, mặt nước và môi trường. Đặc biệt, Hà Nội cần phát triển tăng trưởng xanh cho thành phố, nhất là trong các ngành KHCN, khoa học quản lý sớm vận hành trung tâm phát triển, vườn ươm doanh nghiệp… để bắt kịp xu thế chung của thế giới là kinh tế tri thức, hiện đại và đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố và cả nước.
“Để Hà Nội xứng tầm là trái tim của cả nước ở mọi khía cạnh, Hà Nội phải đi đầu thực hiện thành công các chủ trương của Đảng và Nhà nước, trước tiên là Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về hỗ trợ cải cách hành chính và doanh nghiệp, dòng tài chính coi như dòng máu phát triển kinh tế, một trung tâm trái tim cung cấp dòng máu cho Thành phố và cả nước”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, TP Hà Nội cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trên một số lĩnh vực trọng điểm mà doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều phiền hà nhất. Đó là các lĩnh vực như thuế (45%), bảo hiểm xã hội (42%) và đất đai (36%).
Ông Lộc phân tích, khó khăn chính hiện nay là thời gian giải quyết không đúng thời hạn văn bản quy định hoặc niêm yết (51%), có chi trả chi phí không chính thức (44)% và cán bộ hướng dẫn không đầy đủ, chi tiết (38%). Đối với doanh nghiệp muốn mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn lớn nhất vẫn là lo ngại TTHC phức tạp (46%), giải phóng mặt bằng chậm (22%) và quy hoạch đất đai chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (21%).
Cũng theo ông Lộc, điều tra của VCCI năm 2015 cho thấy có 29% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh kiểm tra trùng lặp (đặc biệt quy mô doanh nghiệp càng lớn thì tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra doanh nghiệp càng cao: Nếu như chỉ có 27% doanh nghiệp nhỏ cho biết bị thành kiểm tra trùng lặp, thì với doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn, con số này lần lượt là 50% và 57%. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp (47%) và nông lâm thủy sản (33%) hiện có tỷ lệ cho biết bị thanh kiểm tra trùng lặp cao nhất.
Vì vậy Thành phố cần tiến hành công tác thanh kiểm tra doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp nhằm giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp.
Ông Lộc cũng cho rằng, Hà Nội cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cho doanh nghiệp; tăng cường thông tin về hội nhập đối với các doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại gần đây như Hiệp định Đối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc... Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác tham vấn doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh trong việc xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan tới doanh nghiệp.
Ông Đỗ Quang Hiệp - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội kiến nghị, TP Hà Nội cần rà soát, chỉnh sửa toàn bộ quy trình giải quyết chuyên môn từng phòng ban trong từ sở ban ngành, quy trình lấy ý kiến giữa các sở ban ngành và liên ngành bao gồm hồ sơ, biểu mẫu, quyền hạn và thời gian các đầu mối nhận và trả kết quả... qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm được quy trình và tiến độ hồ sơ đang ở giai đoạn nào để giải quyết nhanh công việc. Đồng thời rà soát lại các chính sách, thủ tục hành chính, cách tính các loại thuế VAT, thu nhập, đất đai… đã không còn phù hợp với điều kiện hội nhập.
Bên cạnh đó, nên phân công đầu mối có trách nhiệm, kết nối kênh thông tin thường xuyên hàng ngày, kịp thời thông tin chủ trương chính sách, thủ tục hành chính, kịp thời tiếp nhận ý kiến khó khăn tháo gỡ khó khăn vướng mắc tới các sở ban ngành của TP; xem xét nên chuyển các quỹ, các nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ và Thành phố đang do các sở pban ngành quản lý như xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ việc làm… giao cho các doanh nghiệp làm đầu mối để sử dụng hiệu quả, kịp thời.
“Đâu đó có câu nói “Hà Nội không vội được đâu”, đến nay phải chuyển thành “Hà Nội phải vội” để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh và phát triển" - ông Hiệp nói.
Giải pháp từ nhà đầu tư nước ngoài
Trưởng đại diện Ngân hàng ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick khuyến nghị, Hà Nội cần sắp xếp lại tổng thể giao thông đô thị; nâng cao năng lực triển khai các kế hoạch đầu tư để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời phải thiết lập môi trường hấp dẫn, thông qua chính sách, quy định; nâng cao vai trò thực hiện TPP tại Việt Nam; đưa ra được cơ chế chia sẻ rủi ro, trong đó tài trợ thiếu hụt vốn đầu tư của các nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Viện Công nghiệp Thông tin III-Đài Loan Tsai Chang khuyến nghị phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thí điểm vùng trồng hoa lan và triển lãm hoa lan quốc tế. Ông Tsai Chang khẳng định: "Việc có công viên khoa học hoa lan đã trở thành điểm nhấn trong ngành du lịch Đài Loan. Nơi đây trở thành di sản đẹp nhất Đài Loan. Nhờ đó, các nhà đầu tư cũng chú ý hơn đến những tiềm năng của Đài Loan.
Hà Nội cũng có triển vọng bởi đây là vấn đề người dân rất quan tâm, chính quyền TP rất chú ý cảnh quan môi trường sống tại Hà Nội, cũng như thời tiết tại đây rất phù hợp để sản xuất mô hình giống như Đài Loan. Có hai cách tiếp cận để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác quốc tế để xây dựng công viên, vùng trồng hòa lan và triển lãm hoa lan quốc tế cho Hà Nội là chính phủ có thể đầu tư, hợp tác công tư, tạo sản phẩm tốt vào thị trường quốc tế; tổ chức hội chợ hoa lan xúc tiến đầu tư vào du lịch. Đây là một trong những thế mạnh của Đài Loan và chúng tôi tin tưởng mô hình này rất phù hợp với Hà Nội".
Bài, ảnh: Gia Huy - Thùy Linh