Nhiều hộ dân thoát nghèo từ nguồn vay vốn tín dụng
(Chinhphu.vn) - Những kết quả đạt được trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung, trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận Cầu Giấy không ngừng tăng trưởng đã ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng trưởng vượt bậc của nguồn vốn ngân sách quận ủy thác qua Ngân hàng chính sách đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của quận trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, quận Cầu Giấy đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng chính sách cho vay được 33.615 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 825,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ 616 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2022 là 209,5 tỷ đồng, tăng 206 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, dư nợ bình quân là 76 triệu đồng/khách hàng.
Theo bà Dung, trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, vốn tín dụng chính sách đã đến với 8/8 phường trên địa bàn quận, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Với 33.615 lượt khách hàng được vay vốn trong đó có 13.041 lượt khách hàng là hộ nghèo, 528 lượt khách hàng là hộ cận nghèo vay vốn đã góp phần giúp cho các hộ vay thoát nghèo; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi năm, giúp cho gần 100 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập, 3.804 lượt người lao động được trả lương trang trải cuộc sống trước ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19….
Có thể thấy, hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở cơ sở, hỗ trợ tích cực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Từ đó cũng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận.
Qua thực tế cho thấy, những lợi ích từ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ đã thực sự giúp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên, khắc phục hạn chế để làm ăn kinh tế, nuôi con ăn học. Hay các em học sinh, sinh viên được vay vốn hỗ trợ mua máy tính, thiết bị học tập.
Điển hình như tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) có hộ ông Phạm Xuân Nghề, trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2014 được vay vốn số tiền ban đầu là 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò, đến năm 2019 gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. Hiện gia đình ông có 2 con trâu, 1 con bò, kinh tế gia đình đã phát triển hơn trước khá nhiều. Hay tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) có hộ bà Đỗ Thị Lý vay 40 triệu đồng nguồn vốn cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến nay con bà ra trường đã có việc làm ổn định, trả hết nợ ngân hàng. Cũng tại xã Trung Châu còn có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh, trước đây là hộ nghèo được vay 15 triệu đồng để mua 1 con bò về nuôi, sau 3 năm phát triển chăn nuôi đã thoát nghèo lại được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng chương trình hộ mới thoát để mở rộng chăn nuôi. Tính đến nay đã trở thành chủ của một cửa hàng điện tử, điện lạnh.
Cảm động hơn là trường hợp gia đình bà Tạ Thị Hợp sinh sống tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, có 3 mẹ con (trong đó có một cháu bị bệnh tật), kinh tế rất khó khăn. Gia đình muốn có vốn để chăn nuôi bò nái và được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò nái. Chính nhờ nguồn vốn này mà đến nay gia đình bà đã có cuộc sống ổn định, nuôi thêm 2 con bò nái, các con của bà nay cũng được học thêm nghề may và mở cửa hàng bán quần áo.
Cùng với Cầu Giấy, trong 20 năm qua, huyện Đông Anh cũng nỗ lực trong công tác thực hiện nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Theo Phó Chủ tịch huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, 20 năm qua Ngân hàng chính sách xã hội của huyện đã cho vay được gần 66.000 lượt hộ, góp phần thu hút hơn 70.000 lao động. Trong đó: cho vay 14.678 lượt hộ nghèo, 6.157 lượt hộ cận nghèo, 5.977 hộ mới thoát nghèo, 538 lượt hộ vay là người tàn tật; cho vay giải quyết việc làm 22.325 lượt lao động; hỗ trợ xây mới, sửa chữa, cải tạo 335 căn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 3.289 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Một số hộ vay điển hình như: Hộ ông Nguyễn Văn Phải, tại thôn Thượng, xã Cổ Loa thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Gia đình ông có 6 người ,bản thân ông Phải là một người khuyết tật từ nhỏ, sức khoẻ yếu, vợ của ông cũng thường xuyên đau yếu quanh năm nên kinh tế lại càng khó khăn hơn. Năm 2018, ông đề nghị vay vốn số tiền 30 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư vào mô hình trồng bưởi. Mô hình này là nguồn thu nhập chính của gia đình ông, được Hội đoàn thể đánh giá cao về hiệu quả và năng suất. Đến năm 2021, với sự tích luỹ kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng trọt, ham học hỏi và cầu tiến, ông quyết định mở rộng mô hình sau khi đã trả nợ và đề nghị ngân hàng vay vốn số tiền 20 triệu đồng để đầu tư thêm cây giống và cơ sở vật chất. Hiện tại kinh tế gia đình ông đã khá hơn so với trước và vươn lên thoát nghèo.
Hay hộ vay của chị Nguyễn Thu Hường, ở thôn Sáp Mai, xã Võng La là một trong số những hộ thuộc diện cận nghèo thời điểm năm 2015. Gia đình chị hiện chưa có nhà ở và đang phải dựng nhà trên đất ao hồ nằm trên địa bàn xã. Hơn nữa gia đình chị có 3 người con vẫn theo học tại các trường trên địa bàn huyện, nên kinh tế gia đình luôn trong tình trạng khó khăn. Thời điểm đầu khi mới được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, chị đề nghị vay vốn số tiền 30 triệu đồng để đầu tư cho mô hình trồng bưởi của mình. Mô hình được đánh giá cao, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình chị. Đến năm 2022, qua sự tích luỹ kinh nghiệm kinh doanh một thời gian cũng như nắm được nhu cầu mua sắm tăng cao sau đại dịch COVID -19 trên địa bàn huyện, chị mạnh dạn đề nghị vay vốn số tiền 50 triệu đồng nhằm mở rộng mô hình trồng bưởi của gia đình. Nhờ chăm chỉ làm việc, cầu tiến, ham học hỏi, kinh tế gia đình chị đã khá hơn, vươn lên thoát nghèo…
Với những kết quả đạt được cho thấy rằng, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Thiện Tâm