Những điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội

23/10/2023 5:07 PM

(Chinhphu.vn) - Thị trường bất động sản Hà Nội vẫn trong giai đoạn khó khăn, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, thị trường bất động sản Hà Nội ở giai đoạn hiện tại vẫn còn có những tiềm năng là điểm sáng của thị trường.

Thị trường bất động sản hiện vẫn còn những khu vực tiềm năng

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường bất động sản hiện vẫn còn những khu vực tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng về giá khá tốt. Các khu vực này đều tập trung ở vùng ven với những dự án khu đô thị lớn, được đầu tư bài bản.

Những điểm sáng của thị trường bất động sản Hà Nội  - Ảnh 1.

So sánh tiềm năng giữa các khu vực trong tương lai, các chuyên gia bất động sản cho rằng, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Cụ thể, phân khúc nhà thấp tầng, từ mức giá trung bình 100 triệu đồng/m2 năm 2018 đã tăng lên 214 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Đông Hà Nội; tăng lên 226 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Tây; 244 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Bắc và 186 triệu đồng/m2 ở khu vực phía Nam. Trong đó, Khu đô thị Ciputra đã tăng giá 24%/năm, Khu đô thị Starlake tăng 33%/năm, Vinhomes Riverside tăng 32%/năm, Mailand Hanoi City tăng 29%/năm, ParkCity tăng 23%/năm, The Manor Central Park tăng 13%/năm, Gamuda City tăng 27%/năm, Vinhomes Ocean Park Gia Lâm tăng 24%/năm…

Theo các đơn vị tư vấn đầu tư, nghiên cứu bất động sản, phía Tây và phía Đông thành phố vẫn là những nơi được quan tâm nhiều nhất. Nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, khu vực phía Tây luôn dẫn đầu về tỉ lệ nguồn cung từ năm 2011 đến nay. Còn khu vực phía Đông trong những năm gần đây cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội cho hay, nguồn cung chung cư, nhà ở thấp tầng tại Hà Nội thời gian gần đây đang tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây, Đông và phía Bắc. Trong quý 3/2023, phía Tây tiếp tục dẫn đầu về số căn hộ chung cư mở bán với gần 62% tổng nguồn cung, còn lại là các dự án ở khu vực phía Đông.

Bên cạnh đó, việc các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận trong giai đoạn 2023-2025 cũng là nhân tố khiến bất động sản khu vực vùng ven bùng nổ và có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Những khu vực tiềm năng của thị trường bất động sản Hà Nội

So sánh tiềm năng giữa các khu vực trong tương lai, các chuyên gia bất động sản cho rằng, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Đây cũng là nơi đang hiện hữu nhiều khu đô thị lớn đã hình thành. Hạ tầng giao thông mở rộng gồm các cầu: Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Chương Dương,... cùng đường Vành đai 2, Vành đai 3 và quy hoạch dự kiến tuyến metro 1, metro 8 sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình kết nối phía Đông với trung tâm Hà Nội.

Phía Tây lại có những tiềm năng nhất định khi nhiều đô thị vệ tinh theo quy hoạch sẽ hình thành như: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch trường đại học về phía Tây và quy hoạch tuyến metro 5 về Hòa Lạc cũng sẽ kích thích thị trường bất động sản tại khu vực này.

Phía Nam cũng có những lợi thế riêng khi là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố. Nơi đây cũng hưởng lợi từ hệ thống đường vành đai hình thành trong tương lai. Thêm nữa, theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, đô thị trung tâm Hà Nội sẽ được mở rộng về phía Nam.

Trong khi đó, phía Bắc hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, 3; các cây cầu: Nhật Tân, Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... Đây cũng là nơi mà theo quy hoạch sẽ tập trung nhiều khu đô thị lớn. Trong đó đáng chú ý, Sóc Sơn dự kiến là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh, thời gian tới, phía Bắc và phía Đông Hà Nội được kỳ vọng là hai khu vực tiềm năng nhất của thị trường bất động sản Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn mới đây, có 31,7% người môi giới bất động sản tham gia khảo sát cho rằng, phía Bắc (huyện Đông Anh, Mê Linh) sẽ là nơi đón sóng bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung, giao dịch trong tương lai. Tiếp đó là phía Đông (huyện Gia Lâm) với tỷ lệ 29,8%. Theo sau là phía Nam (quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì) với 14,9% và phía Tây (huyện Hoài Đức, Đan Phượng) với 12,5%.

Nhờ nền tảng đầu tư từ trước, khu vực phía Tây đang có hạ tầng đô thị, giao thông phát triển hơn phía Đông, được cho rằng sẽ là khu vực phù hợp với những người có mong muốn mua nhà, dọn đến ở ngay. Còn phía Đông được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư, bởi giá bán căn hộ tại đây đang thấp hơn những nơi khác.

Tuy nhiên, Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng nhận định, phía Tây Hà Nội vẫn sẽ là tâm điểm phát triển trong thời gian sắp tới, theo hướng tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan.

Trong khi đó, đại đô thị phía Đông có khả năng kéo nguồn cầu do nơi đây còn nhiều dự án đang xây dựng... Thời gian tới, nguồn cung mới tại khu vực phía Đông và phía Tây sẽ chiếm 40% thị phần căn hộ. Với hạng mục nhà thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề), phía Bắc sẽ là khu vực chiếm sóng ưu thế...

Thị trường bất động sản khu Tây "cất cánh"

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ dịch chuyển từ mô hình đơn tâm sang đa trung tâm (đa cực) theo xu hướng chung của các thành phố lớn trên thế giới. Trong đó, khu Tây được định hướng trở thành trung tâm hành chính - kinh tế mới hiện đại, hội nhập.

Với điểm tựa này, giao thông được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ, minh chứng là các tuyến đường hiện hữu như đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 và 3.5, đường Lê Trọng Tấn, Nguyễn Xiển - Xa La, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo mở rộng, đường Trung Văn nối Mễ Trì… Đặc biệt, dự án hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu với tổng mức đầu tư 700 tỷ đã thông xe vào đầu tháng 10/2022, giảm tải đáng kể cho các tuyến đường lân cận.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng hiện đại bậc nhất gồm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tuyến buýt nhanh BRT, quy hoạch "tam giác vàng" tuyến Metro số 5, 6, 7 đã tạo thành chuỗi giao thông liên hoàn kết nối toàn bộ khu Tây tới các khu vực.

Sau khi Trung tâm Hội Nghị Quốc gia và Khu liên hợp Thể thao Quốc gia đi vào hoạt động không lâu, trụ sở các bộ, ngành cũng dần "Tây tiến" như Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại Giao… kéo theo làn sóng dịch chuyển về phía Tây thành phố của một lượng lớn cán bộ công chức nhà nước, chuyên gia nước ngoài, lao động chất lượng cao,… làm gia tăng nhu cầu nhà ở, bất động sản tại khu vực này. Đây chính là cú hích cho bất động sản phía Tây tăng tốc sau đó.

Về hạ tầng xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, gần 1.000 điểm trường học, bệnh viện tên tuổi, hiện đại liên tục mọc lên, trong bán kính 5-7km quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nâng tiện ích khu phía Tây lên một tầm cao mới.

Theo định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, hơn 332 nghìn tỉ đồng sẽ được rót vào 460 dự án giao thông trên toàn thành phố Hà Nội. Nổi bật, cả 7 tuyến vành đai bao quanh Thủ đô đều có hợp phần chạy qua khu vực phía Tây. Đây chính là bảo chứng cho tiềm năng tăng giá của bất động sản khu vực này trong tương lai.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của Savills, khu vực phía Tây nếu tính riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về thị phần nguồn cung với khoảng 30% từ năm 2011 đến nay. Đây đồng thời là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2.

Theo đánh giá của bà Hằng, khu vực này vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại lớn.

Dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, giá trị bất động sản ở phía Tây Thủ đô sẽ tăng từ 10% đến 15% trong năm 2023 nửa đầu 2024, cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của cả thành phố.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cấp cao CBRE, chi nhánh Hà Nội đánh giá, trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phía Tây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một khu vực hoang vu, hạ tầng thiếu kết nối, trở thành trung tâm mới rất sầm uất, đông đúc với sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà cao tầng đến từ các chủ đầu tư bất động sản uy tín. Ngoài các toà nhà văn phòng và các tòa nhà chung cư hỗn hợp, khu nhà ở thấp tầng hiện hữu, diện mạo bất động sản phía Tây vẫn đang tiếp tục hình thành ở các quỹ đất còn lại.

Theo bà An, với sức hấp dẫn về giá, cùng với mạng lướt hạ tầng ngày càng được đẩy mạnh và hoàn thiện, đây là khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển và gia tăng về giá trong 3-5 năm tới.

Thùy Chi


Top