Những khó khăn trong cứu nạn, cứu hộ khi cháy nổ dưới góc nhìn chuyên gia

18/09/2023 3:22 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) cùng chính quyền các địa phương đã nỗ lực, triển khai nhiều biện pháp, nhưng công tác quản lý phòng, chống cháy nổ, trật tự xây dựng, đặc biệt với loại hình chung cư mini đang gặp phải nhiều khó khăn, bất cập, cần kịp thời xử lý.

Những khó khăn trong cứu nạn, cứu hộ khi cháy nổ dưới góc nhìn chuyên gia - Ảnh 1.

Công tác cứu hộ thường gặp khó khăn khi xảy ra hỏa hoạn ở những ngõ nhõ hẹp. Ảnh: VGP

Khó tiếp cận vào khu vực cháy nổ do đường, ngõ hẹp 

Theo Trung tá, Tiến sĩ Phan Anh, Phó trưởng khoa Phòng cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, thực tế hiện nay ở Hà Nội đa phần các chung cư mini xuất hiện trong các khu phố, ngõ nhỏ và bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy đó là việc xe chữa cháy vào tiếp cận vụ cháy là rất khó. Cùng với đó, các nguồn nước để phục vụ cho công tác chữa cháy không đảm bảo, ngay cả các trụ nước lắp bên ngoài đường chính thì nó cũng quá xa so với các điểm cần chữa cháy. Thậm chí có những nơi, trụ không có nước hoặc áp lực nước không đủ, trong khi trên mỗi xe chữa cháy lượng nước chỉ đảm bảo được một dung tích nhất định, khoảng tầm 2 - 3 phút, nhiều lắm là 5 phút đã hết nước rồi, cho nên công tác chữa cháy đối với chung cư mini trong ngõ nhỏ gặp rất nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, với khoảng cách xa như vậy cho nên lực lượng PCCC tiếp cận hiện trường để cứu người, cứu tài sản cũng gặp khó khăn. "Cần phải có những thiết bị phá dỡ hoặc những thiết bị để thao tác. Chưa kể, tại các vị trí cao, lực lượng chữa cháy cũng khó có thể tiếp cận để có thể triển khai phương án chữa cháy. Các hệ thống kỹ thuật đường dây điện các nhà xung quanh cũng cơi nới ban công, đua ra nên thực sự lực lượng chữa cháy rất khó tiếp cận", Trung tá Phan Anh nói.

Theo Trung tá Phan Anh, những đô thị lớn như Hà Nội thì mật độ dân cư quá đông đúc và những tồn tại này đã từ trước đến nay. Hiện nay cũng không thể làm giảm mật độ ra được hay di dời những chung cư mini này đi được. Trong khi, những điều kiện về phòng cháy, chữa cháy để khắc phục thì rất khó, bởi mỗi cơ sở có những đặc điểm khác nhau, có cơ sở thuộc diện phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng cháy và chữa cháy, nhưng cũng có cơ sở không thuộc đối tượng phải kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy, vì tên gọi của cơ sở này không nằm trong phạm vi của Nghị định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Cần ý thức được mức độ nguy hiểm và chủ động phòng tránh

Cũng theo Trung tá Phan Anh, nguyên nhân các vụ cháy xảy ra phần lớn do bất cẩn gây ra khi sử dụng các thiết bị điện, gas…Vì thế, để được an toàn thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Bất cứ ở đâu, từ gia đình cho đến cơ quan, văn phòng, mọi người đều phải có trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống cũng như nơi mình làm việc và thông qua việc học tập, tìm hiểu các kiến thức cũng như là nắm bắt được các yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy.

"Nắm bắt, rà soát các yêu cầu đối với loại hình cơ sở của mình thì sẽ đảm bảo an toàn, phòng ngừa được những hậu quả, những sự cố thương tâm có thể xảy ra trong thời gian tới", Trung tá Phan Anh nhấn mạnh.

Đề cập đến kỹ năng thoát hiểm cho người dân tại các chung cư mini, Trung tá Phan Anh cho rằng, với loại hình nhà chung cư mini có cầu thang hở, có giếng trời thì khi cháy, sẽ tạo nên như một ống khói, không có cách nào để thoát hiểm được. Vụ cháy chung cư mini vừa qua ở quận Thanh Xuân khiến vài chục người bị thiệt mạng là do họ không thể chạy được đường thoát hiểm bởi đây lại chính là đường nguy hiểm và đe dọa tính mạng họ.

Vì thế, theo Trung tá Phan Anh, các kỹ năng phòng cháy thoát hiểm đối với người này nhưng chưa chắc áp dụng được với người khác, thực tế khó có thể thử nghiệm mà quan trọng là chúng ta phải tìm cách phòng ngừa. 

Cụ thể, tại các tòa nhà, có thể cải tạo trên cơ sở nền tảng hệ thống kỹ thuật đã có sẵn để khắc phục và tạo ra đường thoát nạn thực sự an toàn. Những người sống và làm việc tại đây phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nhiệt, nguồn lửa tại vị trí nguy hiểm, nhất là nơi để xe cũng như từng căn hộ nói riêng và có người thường trực bảo vệ.

Bên cạnh đó, bảo vệ hay bộ phận canh gác cần thực hiện theo đúng phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng chữa cháy tại chỗ chính là những người bảo vệ này. Mỗi gia đình cũng cần phải ý thức trách nhiệm đối với trang thiết bị của mình, đặc biệt trong quá trình canh gác, bảo vệ qua đêm. Đăck biệt, khi ở thời điểm những người dân ngủ vào ban đêm thì không nên sạc và không nên gây ra bất cứ nguồn nhiệt, nguồn lửa nào, ngoại trừ điện chiếu sáng, thì sẽ an toàn được rất nhiều.

"Chúng tôi thấy theo thói quen nhiều người cứ "tặc lưỡi" cắm sạc ắc quy của xe đạp điện qua đêm, để như thế vì nghĩ rằng nó an toàn, sáng hôm sau lại nhấc ra đi. Hành động này cực kỳ nguy hiểm và vô hình chung là cài "bom hẹn giờ" cho tòa nhà của mình. Vì vậy, hơn lúc nào hết, việc ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy cũng vô cùng quan trọng', Trung tá Phan Anh nói.

Minh Anh

Top