Những người lính cụ Hồ vững vàng 'Gác tay súng chắc tay cầy'

25/07/2023 7:03 PM

(Chinhphu.vn) - "Uống nước, nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và giá trị hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam.

Những người lính cụ Hồ 'Gác tay súng chắc tay cầy' - Ảnh 1.

Các cấp hội và địa phương đều một lòng hướng đến Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Luôn thắp sáng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

76 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chăm lo đến thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình chính sách". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi với người có công đã được ban hành; đối tượng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn… Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đoàn thể, các đơn vị quân đội, công an trong cả nước và các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây nhà tình nghĩa, lập quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng...

Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa; qua đó góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Theo Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội, Hà Nội là địa phương có số người hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng lớn nhất cả nước; với trên 800 nghìn người (chiếm gần 10% cả nước). Trong đó có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 60 nghìn thương binh, hơn 80 nghìn liệt sĩ, hơn 13 nghìn người được hưởng chế độ hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hơn 50 nghìn người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại.

Thời gian qua, thực hiện triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Hà Nội luôn chú trọng, nỗ lực thực hiện chính sách người có công với cách mạng, ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho các cấp, các ngành thực hiện. Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị tham gia chăm sóc người có công tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" từ thành phố đến cơ sở, trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức thiết thực, cụ thể, sáng tạo, tri ân từ tận đáy lòng.

Chỉ tính riêng năm 2021, Thành phố tiếp nhận và giải quyết 18.182 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công, với kinh phí thực hiện trên 92 tỷ đồng. Chi trả kịp thời cho trên 84 nghìn người có công với số tiền 1.562 tỷ đồng. Vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt 30.888 tỷ đồng (đạt 138,7% kế hoạch đặt ra); tặng 5.423 tỷ đồng và tu sửa nâng cấp 285 nhà ở cho người có công với kinh phí 11.056 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID- 19 diễn ra phức tạp, đời sống người có công với cách mạng trên địa bàn Thành phố gặp nhiều khó khăn, các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở đã chú trọng thực hiện tốt Pháp lệnh Người có công với cách mạng. Thành phố hỗ trợ đặc thù gần 73 tỷ đồng kịp thời đến với người hưởng thụ, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công.

Năm 2022, Thành phố vận động 46,4 tỷ đồng cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", đạt 200% kế hoạch. Thực hiện "Ngày thương binh, liệt sĩ" năm nay, Thành phố trao tặng trên 121 nghìn suất quà tới các đối tượng chính sách, người có công với tổng kinh phí 192,8 tỷ đồng.

Với tình cảm và trách nhiệm của mình, nhiều năm qua các cấp Hội đã thường xuyên chăm lo và làm tốt công tác chính sách, gương mẫu đi đầu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", chung sức giúp đỡ các gia định người có công còn khó khăn cải thiện đời sống. Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Chấp hành Cựu chiến binh Thành phố tiếp tục xây dựng Đề án 03 "Cựu chiến binh Thủ đô đoàn kết giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế giảm nghèo, xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội và hoạt động tình nghĩa". Đề án được triển khai sâu rộng ở các cấp Hội được cán bộ, hội viên đón nhận từ trong tâm khảm trái tim, trở thành phong trào chung trong toàn Hội và lan tỏa trong xã hội.

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước", Hội Cựu chiến binh Thành phố đã ủng hộ cho Hội Cựu chiến binh các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh 20 nhà nghĩa tình đồng đội, mỗi nhà trị giá 50 triệu đồng. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được các cấp Hội tham mưu với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như: Vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, tạo việc làm cho con em thương binh, liệt sĩ, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, chia sẻ với hội viên bị ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh... Nhân Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7 năm nay, Thường trực Hội Cựu chiến binh Thành phố thăm và gửi quà cho 3 tập thể và 315 hội viên cựu chiến binh là thương binh với số tiền trên 221 triệu đồng.

Anh hùng lao động sản xuất giữa đời thường

Những người lính cụ Hồ 'Gác tay súng chắc tay cầy' - Ảnh 2.

Trở về giữa đời thường những người lính năm xưa lại hăng say vào lao động sản xuất. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Trở về với đời thường, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều đồng chí cựu chiến binh là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã vượt lên thương tật, nỗi đau mất mát, khó khăn để hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, công tác xã hội trên các lĩnh vực, gương mẫu tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng Hội Cựu chiến binh các cấp trong sạch vững mạnh. Nhiều đồng chí tiên phong tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và hội viên; tích cực tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Điển hình như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, thương binh 4/4, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là Công dân Thủ đô Ưu tú, bằng kinh nghiệm và sự từng trải, tiên phong trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.  Hay bác Đinh Văn Chiến, cựu chiến binh là thương binh 4/4 ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, phụ trách 5 tổ cựu chiến binh - thương binh, luôn gương mẫu cùng với tổ dân phố và chính quyền sở tại tuyên truyền, vận động không để kẻ xấu lợi dụng trong giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà trái pháp luật và phòng, chống dịch COVID - 19, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an - an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Bác Nguyễn Văn Dung, Cựu chiến binh thương binh 4/4 ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, là người gương mẫu đi đầu vận động thành lập tổ dân cư tự quản, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đặc biệt, bằng nghề gia truyền chữa bỏng, bác đã trực tiếp cứu chữa cho gần 2.000 ca bị bỏng miễn phí, không phải vào viện điều trị.

Bác Dương Văn Dung, sinh năm 1952, ở Dương Xá, huyện Gia Lâm chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông nhập ngũ ngày 23/5/1970. Trải qua hơn 40 năm liên tục chiến đấu học tập, công tác trong quân đội, tháng 7/2010, ông được nghỉ hưu và về sinh sống tại quê hương ở thôn Dương Đanh, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Tháng 12/2010, ông Dung được kết nạp và trở thành hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

"Là thương binh loại A, hạng 4/4 và là người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tỉ lệ phơi nhiễm 41%. Tháng 8/2017, tôi được chi bộ thôn tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ và đảm nhiệm chức vụ này khi đang ở nhiệm kỳ thứ ba. Từ năm 2020, tôi được phân công kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, đồng thời được phân công làm Tổ trưởng tổ Dân vận, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn. Tuy thương tật, sức khỏe giảm sút, vợ bị tai biến, công việc của địa phương nhiều phức tạp nhưng tôi đã kiên trì nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, giữ vững uy tín phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" cùng tập thể chi bộ các chi hội đoàn thể đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Đóng góp vào thành tích ấy còn có sự động viên, khích lệ to lớn của chi hội cựu chiến binh thôn. Trong suốt 6 năm qua, với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, tôi đã trực tiếp cùng tập thể chi ủy chi bộ lãnh đạo chỉ đạo chính quyền và nhân dân trong thôn hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao."- ông Dung chia sẻ.

Quan tâm chăm sóc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước ta. Để phát huy kết quả vừa qua, với tất cả tấm lòng kính trọng, Hội Cựu chiến binh TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, các cấp Hội và cán bộ, hội viên cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Thành phố và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ. Đồng thời tiếp tục chung sức, chung lòng cùng cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân làm tốt hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi cán bộ, hội viên.

Thiện Tâm

Top