Những “thiên thần” sinh ra từ trứng đông lạnh hoặc từ tinh trùng bất động 100%

02/08/2017 1:22 PM

(Chinhphu.vn) – Đây là thành tựu quan trọng, đánh dấu bước tiến mới của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) trong việc áp dụng kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn tiên tiến nhất hiện nay.

Bé gái sinh ra từ trứng đông lạnh.

Ngày 2/8, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) tổ chức ngày hội tư vấn hiếm muộn với chủ đề “Chào mừng những em bé sinh ra từ trứng đông lạnh và em bé sinh ra từ tinh trùng bất động 100%”. Nhiều cặp vợ chồng đã từng thực hiện thành công các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có mặt trong sự kiện để cùng chia sẻ về hành trình điều trị của mình. Trong đó có những cặp vợ chồng hết sức đặc biệt như thất bại nhiều lần do chồng có tinh trùng bất động 100%, cặp vợ chồng trữ trứng, cặp vợ chồng cao tuổi…

Tháng 6/2016, chị Đỗ Hoài Thu, một bệnh nhân hiếm muộn tham gia chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản đến ngày chọc trứng. Tuy nhiên, vì lý do đột xuất chồng chị không thể có mặt để lấy tinh trùng. Được bác sĩ chỉ định đông trứng, toàn bộ trứng của chị Thu được đông lại theo phương pháp mới nhất. Tháng 7/2016, chồng chị đã có mặt để lấy mẫu tinh trùng và trứng được rã ra, thụ tinh bằng phương pháp ICSI. Đến cuối tháng 3/2017, vợ chồng chị đã sinh một bé gái nặng 3,3kg, hoàn toàn khỏe mạnh.

Theo TS.BS Đỗ Văn Tráng, Giám đốc Bệnh viện Bưu điện, đây là ví dụ điển hình nhất của việc đôi khi đông trứng trở thành giải pháp bất khả kháng, có vai trò quan trọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm: người vợ được kích trứng, chọc hút trứng nhưng do áp lực, hoàn cảnh đặc biệt, người chồng vắng mặt hoặc không thể lấy được tinh trùng. Nếu như trước đây, trứng không thể đông, buộc phải để tự thoái hóa hoặc hiến tặng thì hiện nay, trứng đã có thể được đông lại, trữ lạnh, “chờ” tinh trùng để thụ tinh.

Theo các chuyên gia, kỹ thuật đông trứng được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước nhưng cho đến tận ngày nay, tỷ lệ trứng thoái hóa sau đông vẫn rất cao. Đây là trở ngại lớn nhất cho việc áp dụng phương pháp đông trứng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Chính vì vậy, ca đông trứng thành công này tại Bệnh viện Bưu điện sẽ tạo tiền đề thuận lợi đối với việc áp dụng kỹ thuật đông trứng khi thật cần thiết cho bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, phương pháp này có ý nghĩa nhân văn to lớn khi bảo tàn cơ hội làm mẹ cho bệnh nhân nữ bị ung thư chuẩn bị được điều trị bằng hóa trị xạ trị. Vì hóa trị, xạ trị rất độc hại đối với buồng trứng và nang noãn. Bệnh nhân lựa chọn đông trứng, khi việc điều trị ung thư kết thúc, trứng sẽ được rã đông, sau đó là quá trình IVF và vẫn có thể có con, Ths Đinh Thị Luyến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện chia sẻ.

Đối với kỹ thuật mới xử lý tinh trùng bất động 100% bằng Hos-test, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cũng đã biến ước mơ làm bố của anh Trần Quốc Thảo (33 tuổi, Ninh Bình) thành hiện thực sau rất nhiều năm điều trị hiếm muộn.

Hos-test là, biện pháp dùng dung dịch nhược trương để nhận biết tinh trùng sống nhưng bất động. Khi tinh trùng được đưa vào môi trường có áp suất thẩm thấu thấp hơn (nhược trương), muối trong tế bào thấm ra ngoài và nước sẽ thấm vào tế bào để đảm bảo duy trì cân bằng thẩm thấu. Sau một thời gian ngắn (tính bằng phút), tinh trùng còn sống sẽ có đuôi cong lên. Việc dùng dung dịch nhược trương này sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng của tinh trùng.

Vợ chồng anh Trần Quốc Hảo đã sinh 2 bé gái kháu khỉnh từ tinh trùng bất động 100%.

Trường hợp anh Trần Quốc Thảo, các bác sĩ cho biết, nếu chỉ dừng ở việc xem kết quả xét nghiệm là tinh trùng bất động hoàn toàn, thì anh Thỏa sẽ không có cơ hội làm bố. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn áp dụng kỹ thuật hỗ trợ tinh trùng bất động hoàn toàn, mới đây, anh Trần Quốc Hảo và vợ đã sinh 2 bé gái kháu khỉnh. Điều này đã chứng minh việc áp dụng thành công kỹ thuật Hos-test mở ra hướng điều trị cho vô sinh nam với nguyên nhân do tinh trùng bất động hoàn toàn. Từ đó đến nay, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cũng đã xử lý thành công nhiều ca tinh trùng bất động 100%. Trên đây chỉ là 2 trong nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản mới, mở ra thêm nhiều cơ hội làm cha, làm mẹ đối với các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hiện nay.

Theo Bộ Y tế, hiện nay ở Việt Nam có tới 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, tương đương hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề về vô sinh hiếm muộn. BS Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, không áp dụng các biện pháp tránh thai, sinh hoạt tình dục bình thường, sau một năm không có thai được coi là mắc vô sinh. Riêng với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian này giảm xuống còn 6 tháng.

Cũng nhân dịp ngày hội tư vấn này, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện sẽ hỗ trợ 50 ca có hoàn cảnh khó khăn làm thụ tinh trong ống nghiệm. Mỗi ca được hỗ trợ 30 triệu đồng. Hồ sơ gửi về: Phòng kinh doanh tiếp thị, Bệnh viện Bưu điện (49 Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội) hoặc các  cặp  vợ chồng có thể gọi vào đường dây nóng (024) 33508089 trong giờ hành chính để được thông tin cụ thể.

Tin, ảnh: Hiền Minh

Top