Nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát cơ sở

30/11/2023 10:46 AM

(Chinhphu.vn) - Năm 2023, TP. Hà Nội tiếp tục chú trọng và nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát cơ sở, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ, chủ động thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở.

Nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát cơ sở- Ảnh 1.

Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, năm 2023 - Ảnh: VGP

 Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, năm 2023, UBND Thành phố đã nhận được trên 8.800 văn bản của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và bộ, ban, ngành...

UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp xử lý, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tính đến nay, cơ bản các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được triển khai thực hiện và hoàn thành với kết quả tốt, nổi bật.

Triển khai các chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển"; tập trung thực hiện 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội; 6 vấn đề trọng tâm chỉ đạo điều hành; 118 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Từ những nỗ lực này, kinh tế phục hồi phát triển nhanh, theo UBND Thành phố dự kiến, GRDP của Hà Nội năm 2023 ước tăng 6,11%.

Các cân đối lớn được đảm bảo, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, đảm bảo cho các khoản chi ngân sách: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước treen 400.420 tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến trên 102.155 tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán Thành phố giao đầu năm và đạt 91,1% dự toán sau điều chỉnh.

Vốn đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì tăng. Trong 10 tháng năm 2023, Hà Nội thu hút trên 2.600 triệu USD vốn FDI, tăng 2,04 lần. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhưng doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm: Lũy kế 10 tháng năm, có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6%); trên 7.590 doanh nghiệp hoạt động trở lại (giảm 13%).

Dự kiến hoàn thành 18/23 chỉ tiêu KH đề ra, trong đó 03 chỉ tiêu vượt KH: Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34,4% - KH là 30%); Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (đạt 30,9% - KH là 28,8%); Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm (130 trường công nhận mới, 270 trường công nhận lại – kế hoạch là 81 trường và 50 trường)

Xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ

Tiển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, TP. Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ đến từng đơn vị, cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

Nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát cơ sở- Ảnh 2.

Kể từ ngày 10/11/2023, các hồ sơ, văn bản ban hành được thực hiện theo quy trình điện tử gắn với việc sử dụng chữ ký số - Ảnh: VGP

Tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, năm 2023, Hà Nội tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế; ban hành quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài phạm vi thủ tục hành chính) của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố.

Tiếp tục thí điểm thực hiện Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số quốc gia, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các đề án lớn có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, UBND Thành phố đã phân công một đồng chí lãnh đạo Ủy ban chịu trách nhiệm chỉ đạo, các đồng chí thành viên khác có trách nhiệm phối hợp, đảm bảo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và phát huy được trách nhiệm cá nhân; các đồng chí thành viên UBND Thành phố tăng cường đi kiểm tra hiện trường, cơ sở, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt và kịp thời chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay tại cơ sở.

Tính đến ngày 15/11/2023, UBND Thành phố đã tiếp nhận và xử lý trên 86.600 văn bản các loại, trong đó tiếp nhận và xử lý trên 8.800 văn bản Trung ương, trên 31.300 văn bản địa phương;

Triển khai thực hiện kế hoạch về rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) của các cơ quan hành chính thuộc Thành phố, tính đến ngày 3/11/2023, đã có 18 đơn vị sở, ban, ngành; 30/30 UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết công việc. Trong đó, có 450 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp Sở; 1.789 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp huyện; 2.962 quy trình giải quyết công việc nội bộ tại cấp xã; 129 quy trình liên thông giải quyết công việc cấp huyện.

UBND Thành phố đã đưa vào vận hành đồng bộ trên toàn Thành phố Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung Thành phố, Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố và thành lập Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố giao.

Việc khai thác, vận hành các Hệ thống nêu trên góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang mô hình chính quyền số - công dân số, kết nối, cung cấp thông tin dữ liệu, dịch vụ trực tuyến nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí. Là căn cứ xem xét, đánh giá tình hình thực thi công vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.

Kể từ ngày 10/11/2023, các hồ sơ, văn bản dự thảo trình Ban cán sự đảng UBND Thành phố, Lãnh đạo UBND Thành phố ban hành được thực hiện theo quy trình điện tử gắn với việc sử dụng chữ ký số trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố.

Còn nhiều nhiệm vụ chậm tiến độ

Nhận định về điểm còn hạn chế, UBND Thành phố cho biết, kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, dự kiến cả năm tăng 6,11% , không đạt kế hoạch là 7,0%.

Ngoài ra, các nhiệm vụ: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu.

Còn nhiều nhiệm vụ thực hiện chậm: Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến; vận hành đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng giai đoạn 2021-2025; Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 04 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải...

Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng; Chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 3 bậc so với năm 2021. - Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai.

Vì vậy, năm 2024, UBND Thành phố tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo phương châm 3 "rõ": Rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ.

Đặc biệt, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, có biện pháp giám sát, phòng ngừa các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, quan liêu

Ngoài ra, rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Gia Huy

Top