Nỗ lực hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

14/10/2024 5:03 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, người tiêu dùng bị xâm phạm về quyền lợi vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng tinh vi với nhiều hình thức mới. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang nỗ lực có thêm các giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nỗ lực hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTT

Hàng giả, hàng nhái vẫn tiềm ẩn khó lường

Không phải mất thời gian đi đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán… người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet, với vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mong muốn. Sau đó, sản phẩm được giao đến tận nơi theo yêu cầu.

Tuy nhiên, mua hàng qua mạng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng, do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhái, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, dù đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn phổ biến trên thị trường. Trong đó, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường.

Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang thương mại điện tử, ứng dụng điện tử, các trang mạng xã hội để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok... với địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư hoặc từ tỉnh ngoài... khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh.

Mới đây, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đột xuất kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa của Công ty CP Tập đoàn Zenpali ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí khá bài bản với đầy đủ các khu vực: livestream, chốt đơn, máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000 m2.

Tại khu đóng gói, đoàn kiểm tra phát hiện hai bao tải lớn chứa hàng trăm đơn nước hoa đã được đóng gói sẵn, chuẩn bị chuyển đi các tỉnh như Quảng Ninh, Tây Ninh, TP HCM... qua J&T Express. Mỗi đơn có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Ngoài ra, trong khu vực kho còn có hàng chục thùng carton, chứa hơn 10.000 chai nước hoa các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri...

Bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng

Việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ làm giảm niềm tin mà còn ảnh hưởng trực tiếp túi tiền, sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Vì thế, việc bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng là rất cần thiết, nhằm bảo vệ tối đa quyền của người tiêu dùng - vốn luôn rơi vào thế yếu khi tham gia các giao dịch.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 (thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010), quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng.

Với khung pháp lý chặt chẽ hơn, khắc phục được những lỗ hổng hiện tại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát vấn nạn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng. Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, của cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ðồng thời Luật bổ sung quy định quyền của người tiêu dùng trong việc yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng; quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm; và hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn áp dụng để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật cũng đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các hình thức giao dịch mới như: livestream, thương mại điện tử xuyên biên giới... Trách nhiệm của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, người bán hàng... được xác định cụ thể, giúp xác định và xử lý vi phạm dễ dàng hơn.

Để xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, UBND TP. Hà Nội đã có các chủ trương, ban hành kế hoạch về triển khai hành động vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, Thành phố định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung ứng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các nội dung hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được Thành phố tổ chức và thực hiện như: Lễ phát động hưởng ứng "Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3)" năm 2024 với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn"; Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng"...

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 288/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình "Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng" năm 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội trên địa bàn Thành phố triển khai tổ chức các hoạt động, sự kiện theo Kế hoạch được phê duyệt... Cục Quản lý thị trường Thành phố phối hợp triển khai thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần triển khai hiệu quả các nội dung của kế hoạch; tiếp nhận, tư vấn, xử lý thông tin phản ánh của người tiêu dùng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội như tổ chức hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng" với quy mô khoảng 160 gian hàng của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia phải niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng.

Cùng với đó là triển khai các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối với người tiêu dùng…

Để công tác bảo vệ quyền lợi được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan của Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng…

Diệu Anh

Top