Nông dân hiện đại-'Dám nghĩ dám làm'
(Chinhphu.vn) - Nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, vợ chồng anh chị Nguyễn Đăng Quý và Đặng Thị Cuối, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, đem đến sản phẩm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, các sản phẩm rau quả hữu cơ của HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cũng đã được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm của trang trại đang được nhiều người tiêu dùng biết đến và được tiêu thụ ổn định thông qua các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Chị Hoàng Thị Thảo, thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng chia sẻ: Sau một thời gian đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, được tiếp cận với những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả cao. Đồng thời, sau khi tích lũy được một số vốn nhất định, vợ chồng anh chị Nguyễn Đăng Quý và Đặng Thị Cuối đã quyết định trở về quê hương đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Đan Phượng. Trên diện tích hơn 6,8 ha, gia đình chị Cuối, anh Quý đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để tưới cho rau màu. Đến nay mô hình đã đi vào ổn định và đã thấy rõ được hiệu quả khi sản phẩm rau hữu cơ đảm bảo chất lượng an toàn tuyệt đối với sức khỏe người tiêu dùng và được nhiều người tìm đến mua về sử dụng.
Chị Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý cho hay, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mang lại những lợi ích lâu dài khi chỉ phải đầu tư bài bản một lần. Đồng thời tránh được những tác hại của thời tiết cũng như không phải sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác do được trồng trong hệ thống nhà lưới, tránh được sâu bệnh gây hại. Hiện nay, các sản phẩm rau hữu cơ của trang trại được người tiêu dùng xung quanh tìm đến thu mua và tiêu thụ ổn định qua các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện và trên địa bàn thành phố qua hệ thống chuỗi cung ứng rau thịt của thành phố và qua hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể.
Sản lượng hằng năm đạt từ 50 đến 80 tấn rau - củ - quả các loại, doanh thu trung bình một năm đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Nhờ mô hình của Hợp tác xã nên đã hỗ trợ tạo công việc cho hàng chục lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hợp tác xã đã chủ động lập thông tin nguồn gốc sản phẩm, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng là một trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017.
Bên cạnh đó, chị Cuối còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ. Đặc biệt, chị Đặng Thị Cuối cũng tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận và hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay, một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống, đồng thời tham gia kết nối hỗ trợ nông sản và ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như: Tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, hiện nay, diện tích trồng rau trong nhà kính, gia đình anh chị Cuối Quý còn đầu tư phát triển mô hình măng tây xanh, trồng đu đủ và các loại cây ăn quả khác, không chỉ tạo thu nhập ổn định cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu/người/tháng.
Với những kết quả đạt được, góp phần làm giàu cho quê hương và hỗ trợ phát triển kinh tế cho bà con nông dân, chị Đặng Thị Cuối đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Chị còn là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" toàn quốc. Đạt danh hiệu "Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu" năm 2020. Đặc biêt, trong năm 2022, chị Cuối là một trong 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".
Với những thành tích đã đạt được, chị Cuối rất xúc động và không dấu được niềm tự hào vì những nỗ lực, miệt mài trong bao năm qua nay đã ra trái ngọt. Mô hình của chị ngày càng được nhiều người biết đến và nhờ vậy, chị có thêm cơ hội để lan tỏa, sẻ chia "bí quyết làm giàu", "dám nghĩ dám làm" và hỗ trợ, ủng hộ bà con nông dân. Được vun đắp, xây dựng và phát triển trên chính quê hương, mảnh đất của mình chính là niềm vui và hạnh phúc nhất của người làm nông… Dù đến nay những sản phẩm từ mô hình đã được người tiêu dùng công nhận và tin tưởng, nhưng chị Cuối vẫn sẽ không ngừng tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và phấn đấu sẽ có nhiều sản phẩm hơn nữa đạt chuẩn OCOP.
Hiện nay, mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của anh chị Cuối Quý tại xã Đan Phượng là một trong 4 mô hình ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu trên địa bàn huyện Đan Phượng. Năng động, nhạy bén với thị trường, cùng chủ trương chính sách khuyến khích phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội và của huyện Đan Phượng đang dần hình thành nên những con người nông dân hiện đại, nắm bắt nhanh với những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào mô hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình cũng như hỗ trợ đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Thiện Tâm