Nông dân tích cực tham gia chương trình OCOP

20/09/2022 2:03 PM

(Chinhphu.vn) - Để phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân về những giá trị từ chương trình OCOP mang lại.

Nông dân tích cực tham gia chương trình OCOP - Ảnh 1.

Nông dân Thủ đô tích cực tham gia sản xuất nông nghiệp và chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Để thực hiện chương trình OCOP, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tích cực vào cuộc, triển khai sâu rộng chương trình đến các cấp hội cơ sở và hội viên nông dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân, thông qua sinh hoạt Chi hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ thành phố đến cơ sở. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội các cấp đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP thành phố.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành đánh giá, phân hạng được 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó các chủ thể tham gia chương trình chiếm số lượng đông đảo là hội viên nông dân. Cơ sở sản xuất giò chả sạch Hợi Thương, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có 6 sản phẩm gồm: Chả sụn, giò lụa, giò tai, xúc xích, chả hạt lựu, giò xào tai lưỡi đã được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Anh anh Nguyễn Doãn Hợi, chủ cơ sở cho biết, các sản phẩm OCOP của cơ sở được trưng bày và bán tại các hội chợ được khách thăm quan đánh giá cao, tạo được niềm tin với người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cấp hội nông dân còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; trong đó tập trung hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP. Hội còn chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các hội viên, thành viên HTX, CLB vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP góp phần nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên nông dân. Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp nông dân khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương. 

Ông Nguyễn Quốc Ân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sóc Sơn chia sẻ, nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, các cấp Hội đã tích cực triển khai, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến xây dựng mẫu mã, thương hiệu, và quảng bá, giới thiệu giúp hội viên nông dân tiêu thụ sản phẩm, từ đó hội viên, nông dân đã thực sự vào cuộc, chủ động, tích cực và phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP; từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ phương thức truyền thống sang phương thức mới, bắt nhịp kịp thời với xu thế; nâng độ phủ sóng của sản phẩm OCOP địa phương ra các thị trường lớn hơn; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đột phá, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình OCOP, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng... để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP. Đồng thời, tạo các hình thức thuận lợi phù hợp để đưa liên kết "6 nhà" tham gia hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. Tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thiện Tâm

* Chương trình có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội./.

Top