Nông nghiệp đô thị: Xu thế tất yếu, hiện đại
(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng quỹ đất mỗi ngày một thu hẹp, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên Hà Nội phải đi theo xu thế tất yếu là nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Xu thế của nền nông nghiệp hiện đại
Huyện Đan Phượng là một trong những địa phương chú trọng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nổi bật phải kể tới hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Với số vốn gần 7 tỷ đồng, trên diện tích hơn 5ha, Hợp tác xã đã đầu tư 7.000 m2 nhà màng, áp dụng sản xuất công nghệ cao và không ngừng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nông nghiệp, đến nay quy mô đã tăng gấp 3 lần, với nhiều loại cây trồng khác nhau.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho hay, Đan Phượng đang trong quá trình đô thị, chuẩn bị lên quận, nên diện tích đất nông nghiệp ít. Để hình thành vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã đã thuê lại đất của nông dân với diện tích 5ha. Điều này đã tạo thuận lợi cho hợp tác xã áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
"Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp từ 2 đến 4 tấn rau xanh cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng… đạt thu nhập hàng tỷ đồng/năm/ha", bà Đặng Thị Cuối chia sẻ.
Từ các vùng sản xuất, huyện Thường Tín đã hình thành được 14 mô hình liên kết chuỗi, 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín đã có quy hoạch đối với từng xã. Việc phát triển nông nghiệp trên địa bàn được định hướng phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị. Cùng với những vùng sản xuất chính, huyện đã quy hoạch các vùng trang trại tổng hợp, vùng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Qua đó, tạo dựng nền tảng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Tính đến nay, TP. Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó dẫn đầu là huyện Mê Linh với 18 mô hình; tiếp đến là huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình. Tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn Thành phố đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.
Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, sự gia tăng dân số kéo theo diện tích để sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm. Mặt khác cũng do bị tác động mạnh của đô thị hóa nên lực lượng lao động nông nghiệp, nguồn lực đầu tư nội tại cũng ngày càng bị giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật có khả năng và tiếp cận công nghệ cao để tiếp nhận, ứng dụng còn thiếu năng lực, trình độ còn hạn chế; tỷ lệ người lao động trực tiếp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn thấp…
Phát triển nông nghiệp đô thị-sinh thái kết hợp du lịch
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, do quỹ đất ngày càng thu nhỏ, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên phải đi theo xu thế tất yếu là nông nghiệp đô thị. Theo đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra hiệu quả lớn nhất trên một đơn vị canh tác nhỏ nhất. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội còn thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.
Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Thành phố tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi tập trung, quy mô lớn. Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho thành phố bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc.
Đặc biệt là triển khai các dự án cụ thể để phát triển nông nghiệp đô thị, gồm nông nghiệp ven đô và nông nghiệp nội đô... Chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư những cánh đồng mẫu lớn; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách hiệu quả để nâng cao giá trị nông nghiệp, khắc phục được những bất cập trong tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp. Mặt khác, cần phải chuyển đổi quy mô, phương thức tập trung ruộng đất đủ lớn để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tính cạnh tranh cao.
Về khía cạnh địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, để từng bước chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị sinh thái, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, hỗ trợ các hộ nông dân giống, đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...
Để quy hoạch vùng nông nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị - sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung.
Thành Nam