Tích tụ ruộng đất phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp

28/02/2023 4:13 PM

(Chinhphu.vn) - Hiện ở những địa phương có làng nghề phát triển, người dân không còn mặn mà với đồng ruộng, bỏ hoang không canh tác gây lãng phí rất lớn. Trước tình hình đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để tích tụ ruộng đất, giao cho các đơn vị hợp tác xã, các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để khai thác hết tiềm năng đất đai của địa phương.

Tích tụ ruộng đất phát triển hiệu quả sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Mô hình trồng Nho Hạ Đen tại huyện Đan Phượng. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Hoàng Văn Quỳ, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hòa, huyện Quốc Oai, diện tích cánh đồng rộng 50 ha của gần 1.000 hộ dân thuộc 6 thôn tại xã Tân Hòa đã bị bỏ hoang từ nhiều năm, nay cũng đã được Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hòa đứng ra ký kết với các hộ dân để thuê lại, tổ chức làm đất chuẩn bị làm cánh đồng mẫu lớn trong vụ xuân 2023.

Ông Vương Trí Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai cho biết, trong xã có nghề miến dong phát triển, nguồn thu từ việc sản xuất, kinh doanh miến dong cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp nên nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc đồng ruộng. Hiện nay, với chủ trương của huyện cùng sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân cũng đã đồng thuận cho Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hòa thuê lại đất của dân để xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và ký kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Theo đó, ruộng đất đã không bị bỏ hoang, người dân lại có thêm một phần kinh phí và Hợp tác xã cũng có thêm nguồn thu.

Theo anh Vương Đức Lập, chủ vườn nho xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún không mang lại hiệu quả kinh tế. Ước tính người nông dân cấy 1 sào lúa, sau 3 tháng cho thu hoạch được 2 tạ thóc, tương đương 1,6 triệu, sau khi trừ chi phí thì người dân chỉ được 200 nghìn đồng. Vì vậy, việc tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao tiết giảm chi phí sản xuất, nhân công lao động thì mới có thể làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình. Như mô hình nho Hạ Đen tại xã Cộng Hòa, trên diện tích hơn 1 ha thuê lại đất của nông dân, anh Lập đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng nhà lưới, ứng dụng tưới nhỏ giọt, thuê kỹ sư về chăm sóc để tạo ra sản phẩm nho Hạ Đen chất lượng, vừa có thể bán sản phẩm vừa kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm tại địa phương. Bước tiến nhỏ nhưng ý nghĩa lớn và sẽ ngày càng được nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Theo ông Nguyễn Quang Thắm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, việc tích tụ ruộng đất tạo thành các ô thửa lớn cho các đơn vị Hợp tác xã, doanh nghiệp thuê lại, đầu tư nông nghiệp bài bản, ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu. Mặc dù còn nhiều rào cản từ cơ chế chính sách, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và đồng thuận của nhân dân thì vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng hài hòa song hành lợi ích của người dân cho thuê đất và nhu cầu của doanh nghiệp, Hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội vẫn có những diện tích đất nông nghiệp không canh tác từ 1 - 2 vụ trong năm. Đây chủ yếu là đất xen kẹt, nằm trong khu vực quy hoạch phát triển các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội, hoặc gặp khó khăn về nguồn nước. Để hạn chế tình trạng này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương để tiến hành rà soát những diện tích không sản xuất nông nghiệp hằng năm. Đồng thời đề nghị các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân biết và thực hiện.

Đối với những diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác trong 1 năm, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ đề xuất xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp đất bị bỏ hoang hai năm liên tiếp, Sở NN&PTNT có thể xem xét, đề xuất thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu để sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.

Thiện Tâm

Top