Sản xuất nông nghiệp hiện đại từ mô hình khuyến nông

16/01/2023 1:42 PM

(Chinhphu.vn) - Việc thực hiện các mô hình, chương trình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực. Đồng thời giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và tiếp cận được với nền sản xuất hiện đại, kỹ thuật tiên tiến.

Sản xuất nông nghiệp hiện đại từ mô hình khuyến nông - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tham quan vùng chuyên canh rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, trong năm 2022, đơn vị đã triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông. Trong đó đã tổ chức thực hiện tổng số 19 mô hình, triển khai tại 68 điểm trên địa bàn thành phố với 1.602 hộ, Hợp tác xã tham gia. Qua một năm triển khai, các mô hình đã cơ bản đạt được mục tiêu và kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nông sản và thay đổi tư duy sản xuất, đơn vị đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân; tập trung thông tin dự báo thị trường, giá cả nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động trong gieo cấy, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối nông nghiệp Thủ đô. Đặc biệt, trong năm qua, đơn vị đã tổ chức thành công Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ hai năm 2022, thu hút lượng lớn khách đến thăm quan và mua sắm.

Đối với hoạt động của Quỹ Khuyến nông đã góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất gắn với quy hoạch, phát triển nông thôn mới tại các địa phương.

Đáng chú ý, trong năm qua, các mô hình mạ khay, cấy máy tiếp tục được triển khai ở các địa phương. Năm 2022, với quy mô hỗ trợ 65.000 khay mạ, cấy máy cho 260 ha lúa/2 vụ, chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy đã giúp giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ, cấy tay truyền thống 3,5-7,6 triệu đồng/ha. Tại huyện Quốc Oai, nhờ áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy, nông dân trên địa bàn huyện đã không bỏ ruộng hoang, sản xuất hai vụ lúa hiệu quả. Đồng thời vẫn tham gia phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, từ đó gia tăng thu nhập.

Với những kết quả đạt được, sang năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình. Đồng thời tập huấn cho hơn 14 nghìn lượt cộng tác viên, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, các mô hình, chương trình khuyến nông đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực. Qua đó, giúp người nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; giúp họ tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững. Mô hình khuyến nông trình diễn đã bám sát vào định hướng, chương trình trọng điểm của địa phương, phù hợp với điều kiện của các tiểu vùng sinh thái, đáp ứng nhu cầu của nông dân nên được nông dân hưởng ứng, nhân rộng.

Hiện nay nhu cầu của nông dân, người sản xuất đối với dịch vụ khuyến nông ngày càng tăng lên về cả số lượng và chất lượng, vì vậy hệ thống khuyến nông cần phải hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ công bảo đảm về số lượng và chất lượng. Theo đó, việc củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông là một yêu cầu tất yếu, là giải pháp bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến nông.

Trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi khuyến nông phải có những đổi mới cả về tổ chức và hoạt động, có phương pháp tiếp cận phù hợp để nắm bắt, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất.

Thiện Tâm

Top