Nông nghiệp Thủ đô chú trọng 'Sản xuất xanh-Tiêu dùng xanh'
(Chinhphu.vn) - Ngày 11/10, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với huyện Sóc Sơn tổ chức Tọa đàm Sản xuất xanh-Tiêu dùng xanh nhằm tuyên truyền và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, giúp gia tăng sản phẩm nông nghiệp sạch, truy xuất được nguồn gốc, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh bền vững gắn với tiêu dùng xanh.
Nhà sản xuất chuyển mình theo "xu hướng xanh"
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, trong những năm gần đây, trước sự biến đổi khí hậu, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Xu hướng tiêu dùng xanh khiến các nhà sản xuất cũng phải chuyển mình để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu mới. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tại Hà Nội, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang lựa chọn phương thức sản xuất xanh để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng – xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung. Tọa đàm với chủ đề: Sản xuất xanh-Tiêu dùng xanh được diễn ra nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia nhiều hơn vào sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Những năm qua ngành nông nghiệp Thủ đô đã chú trọng đến phát triển theo hướng đô thị xanh, trong đó có nhiều đơn vị, địa phương làm rất tốt về sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, góp phần đưa người tiêu dùng sống gần hơn với tiêu dùng xanh. Xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã làm rất tốt và là mô hình tiêu biểu cho lối sản xuất này.
Để đảm bảo nông nghiệp xanh, theo bà Hương, các đơn vị trong ngành đã tập trung vào các giải pháp để sản xuất và tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung vào về vấn đề sử dụng bao bì tự phân hủy, đóng gói sử dụng được nhiều lần dành cho sản phẩm nông sản. Đối với những vùng sản xuất chuyên canh, khuyến cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm, như vùng trồng hoa cúc sử dụng bóng đèn hiệu suất cao để chiếu sáng, thúc đẩy sinh trưởng và tiết kiệm hơn so với các hình thức khác.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, du lịch trải nghiệm cũng được ưu tiên phát triển; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi phương thức nông nghiệp từ vô cơ sang hữu cơ, giảm phát thải khí bảo vệ nguồn nước… Hay thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm thải ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt để "xanh hóa sản xuất", ngành nông nghiệp thời gian qua đã tập trung sản xuất các mô hình VIETGAP, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn… đây là một trong nhiều khâu của xanh hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích kinh tế cho người sản xuất cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Để sản xuất nông nghiệp xanh hiệu quả, tiết giảm chi phí
Theo ông Chu Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, vùng rau Thanh Xuân lúc đầu chỉ có 7-8 hội viên ở một thôn với 1,5ha vào những năm 2008. Đến nay đã có 150 hội viên, thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/hội viên/tháng; với quy mô lên đến 31 ha sản xuất. Khi chuyển sang sản xuất rau hữu cơ không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất mà còn mang lại sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt mô hình rau hữu cơ của Thanh Xuân còn góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, điều này phù hợp với xu thế của thế giới. Thanh Xuân là điểm đi đầu của Thành phố và cũng là điểm để các tỉnh thành khác (Nghệ An, Huế, Cần Thơ…), và một số nước tiên tiến (như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore) đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Rau Thanh Xuân cũng đã được tôn vinh là sản phẩm tiêu biểu trong năm. Người nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất từ sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu hóa học sang sử dụng các dòng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học. Đây là kết quả của nhiều đợt tuyên truyền, nhiều hội nghị đầu bờ, nhiều buổi hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn, ban ngành đoàn thể.
Theo ông Tân, ngoài việc sản xuất tốt thì còn cần quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm, đặc thù của rau hữu cơ là mẫu mã không bắt mắt, không được non xanh như những loại rau khác. Hơn nữa thời gian đầu khái niệm rau hữu cơ còn rất lạ lẫm với mọi người, do đó làm thế nào để cuốn hút khách hàng là một vấn đề nhưng rất may mắn, rau Thanh Xuân đã được một tổ chức của Đan Mạch và các doanh nghiệp trong nước như Bác Tôm, Tâm Đạt quan tâm, hỗ trợ.
Để kiểm soát chất lượng, HTX rau Thanh Xuân đã thành lập ban điều hành, thanh tra giám sát sản xuất của các hội viên, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nếu có một nhóm vi phạm thì sẽ đình chỉ luôn nhóm đó, khi nào khắc phục được mới cho tham gia lại hệ thống sản xuất.
Tại Tọa đàm một số hộ sản xuất đã đặt ra những câu hỏi cho các chuyên gia, nhà quản lý về cách thức sản xuất nông nghiệp xanh cho hiệu quả và tiết giảm chi phí; hay cách kết nối tiêu thụ và mở rộng thị trường ngày càng phát triển… Theo đó, để hỗ trợ người sản xuất cũng như các hộ kinh doanh, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý, để sản xuất xanh- tiêu dùng xanh đạt hiệu quả, cần tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư cho các vùng sản xuất như các vấn đề về: Điện, nước sạch.
Bên cạnh đó, thực hiện hỗ trợ chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm, hỗ trợ tuyên truyền xúc tiến thương mại. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần nghiên cứu, sản xuất ra nhiều hơn nữa các sản phẩm, chế phẩm sinh học để bà con có nhiều hơn các sản phẩm sinh học để áp dụng vào sản xuất.
Thiện Tâm