Nông nghiệp Thủ đô: Tái cơ cấu hướng hiện đại

06/12/2021 4:46 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, việc tái cơ cấu mạnh mẽ đã tạo bước đột phá mới giúp ngành Nông nghiệp Thủ đô duy trì tăng trưởng, hướng đến hiện đại, khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Vườn trồng hoa ly của người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Thành Nam

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, Hà Nội đã hình thành hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng) với tổng diện tích hơn 40.000ha; 5.044ha rau an toàn, hơn 50ha rau hữu cơ; gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao… Hiện tại, diện tích cây ăn quả của Thành phố đã lên tới 21.800ha, tăng 5.180ha so với năm 2017, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản, đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu…

Mặt khác, việc tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa công nghệ cao vào sản xuất. Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có sự chuyển dịch lớn. Từ việc đầu tư chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, sản lượng thịt lợn, gia cầm, thủy sản bảo đảm cung ứng đủ cho thị trường. Đáng chú ý, từ việc tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố đã có 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 78 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi…

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho rằng, từ việc tái cơ cấu, giá trị sản xuất nông nghiệp của Thanh Oai tăng mạnh. Hiện huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 6.000ha; vùng cây ăn quả 428ha; vùng chăn nuôi xa khu dân cư 71,14ha…

Đánh giá về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định, mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2020 và 3,9% trong 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đã minh chứng cho thành công của việc tái cơ cấu nông nghiệp Thủ đô.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới phương thức sản xuất

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đến nay, Hà Nội đã có 141 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường....

Cùng đó, có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, với các mô hình nhà kính, sản xuất rau thủy canh, nuôi cấy tảo xoắn để chiết xuất dược liệu và trồng rau kết hợp với cây dược liệu, du lịch và nghỉ dưỡng;…

Tuy nhiên, theo ông Chu Phú Mỹ, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã do giảm sản lượng, doanh thu dẫn đến thu nhập của các thành viên, người lao động không ổn định, đặc biệt là các hợp tác xã chăn nuôi gia cầm, hợp tác xã nông nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái...

Việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chưa có nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Để đẩy mạnh vấn đề cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, thời gian tới, các huyện trên địa bàn Thành phố cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất lúa, cây rau màu ngắn ngày.

Khuyến khích mở rộng phát triển sản xuất các giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày có năng suất, chất lượng cao, hiệu quả kinh tế cao. Phát triển thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự nhiên…

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong quý III, để phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố phải giãn cách xã hội trong gần 2 tháng, song sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng của Thành phố không bị đứt gãy, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, qua đó góp phần ổn định kinh tế-xã hội của Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các huyện tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới phương thức sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô hộ gia đình; đồng thời, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021...

Thành Nam

Top