Phân cấp mạnh để quản lý rừng

02/10/2019 4:44 PM

(Chinhphu.vn) - Để hạn chế trong việc triển khai phân cấp quản lý nhà nước về rừng, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã làm việc với các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn thành phố rà soát lại về việc thống nhất quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng.

Quản lý rừng phòng hộ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay

Theo kết quả các cuộc làm việc, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, qua kết quả làm việc với các huyện, thị xã có rừng, Sở NN&PTNT cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định 41/2016-UBND ngày 19/9/2016 của UBND gặp khó khăn trong công tác bàn giao do ranh giới giữa các loại rừng không rõ ràng trên thực địa, nên chưa thể tiến hành bàn giao. Vì vậy, đến thời điểm này, vẫn chưa bàn giao được diện tích rừng theo quy định tại phân cấp.

Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nội dung phân cấp quản lý nhà nước về rừng đã nêu trên, Sở NN&PTNTđã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Cụ thể, đối với những diện tích rừng và đất lâm nghiệp còn tranh chấp giữa các địa phương, tham mưu UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của thành phố đề xuất báo cáo UBND thành phố phương hướng xử lý.

Bên cạnh đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành xác định rõ mốc giới các loại rừng tại các huyện, thị xã có rừng theo đề án đã được UBND thành phố phê duyệt. Giao Sở NN&PTNT rà soát cụ thể từng loại rừng để báo cáo, đề xuất điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 1/2/2013 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020.

UBND các huyện, thị xã có rừng xác định rõ mốc giới về diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện đang quản lý và hồ sơ của 2 loại rừng theo quy định, mới tổ chức tiến hành bàn giao. Sau khi xác định rõ ranh giới và hồ sơ đầy đủ 2 loại rừng, Sở NN&PTNT thực hiện được bàn giao theo phân cấp tại Quyết định 41/2016/QĐ-UBND.

Thực hiện 4 phương châm trong quản lý, bảo vệ, PCCC rừng

Liên quan đến vấn đề này, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng có yêu cầu về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2015 - 2018.

Theo Chi cục Kiểm Lâm, hiện nay Hà Nội có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là hơn 27.159 ha. Diện tích rừng gồm: Rừng đặc dụng hơn 10.964 ha, rừng phòng hộ hơn 5.865 ha, rừng sản xuất hơn 9.856 ha; diện tích rừng ngoài đất quy hoạch cho lâm nghiệp hơn 473,8 ha.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ PCCC rừng và phát triển rừng trên địa bàn thành phố, từ năm 2015 - 2018, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã mở 396 lớp tập huấn về công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và động vật hoang dã với 18.640 người tham gia.

Bên cạnh đó, phát trên đài truyền thanh huyện, thị xã và các xã có rừng trên địa bàn thành phố tổng số 14.545 bản tin; thực hiện 1.820 ngày tuyên truyền lưu động về công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng; tuyên truyền thông qua 132 panô về bảo vệ rừng; in và phát 57.400 tờ rơi và 7.500 cuốn tài liệu viết về công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng; tổ chức 27 hội nghị truyền và tổ chức 35 lớp diễn tập PCCC rừng với 5.040 người tham gia.

Từ năm 2015-2018, công tác PCCC rừng đã đạt được kết quả tốt, khi xảy ra cháy đã kịp thời được phát hiện, huy động lực lượng nhanh chóng, kịp thời, phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ, chỉ huy thống nhất nên các đám cháy thường được dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng đặc biệt không có tai nạn, thương tích nghiêm trọng xảy ra trong lúc chữa cháy rừng.

Trong công tác phát triển rừng, trên địa bàn thành phố đã hạ cấp vật liệu cháy được hơn 408,8 ha; trồng rừng mới hơn 261 ha; chăm sóc rừng hơn 2.078,7 ha/năm; trồng rừng phân tán 2,8 triệu cây; khoán bảo vệ rừng 6.500 ha/năm; hỗ trợ cộng đồng dân cư các vùng đệm gồm 23 thôn, kinh phí 40 triệu đồng/thôn/năm.

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, đạt được kết quả trên là do các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo kịp thời công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCC rừng, đặc biệt chính quyền cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, chú trọng công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Chính quyền các địa phương cũng đã quan tâm chỉ đạo thành lập và kiện toàn lập thời các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng, PCCC rừng.

Các hạt kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tham mưu chỉ đạo nghiệp vụ về bảo vệ rừng, PCCC rừng. Công tác phối hợp các lực lượng trên địa bàn để bảo vệ rừng, PCCC rừng thực hiện tốt, đặc biệt đã xây dựng quy chế phối hợp với lực lượng quân đội chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

Người dân sống tại những khu vực gần rừng trên địa bàn thành phố có ý thức về bảo vệ rừng, PCCC rừng. Do ý thức trách nhiệm nên việc chặt phá rừng hầu như không xảy ra; không có hiện tượng xâm hại tài nguyên rừng, chủ động tổ chức lực lượng tại chỗ để bảo vệ rừng trên diện tích được giao khoán bảo vệ.

Vĩnh Hoàng

Top