Phân cấp, phân quyền, giúp Hà Nội chủ động về bộ máy, biên chế

29/05/2024 2:24 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ đặc thù là Thủ đô.

Phân cấp, phân quyền, giúp Hà Nội chủ động về bộ máy, biên chế- Ảnh 1.

Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội - Ảnh minh họa: VGP

Trong báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với các nội dung phân quyền cho TP. Hà Nội liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội.

Điều này giúp chính quyền Thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô.

Theo dự thảo, căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, UBND Thành phố được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND Thành phố hoặc UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình.

Trong trường hợp cần thiết, UBND Thành phố có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố hoặc UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND Thành phố có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND Thành phố, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Cũng trong trường hợp cần thiết, UBND cấp huyện có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội được ủy quyền giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện được ủy quyền giải quyết một số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình cho Ủy ban nhân dân cấp xã. UBND, Chủ tịch UBND cấp xã được ủy quyền cho công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã.

Phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô

Thảo luận tại phiên họp ngày 28/5, đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) nêu ý kiến, với tính chất, yêu cầu, vị trí đặc biệt quan trọng của thủ đô cần phải được chú trọng đầu tư và phát triển như một đô thị đặc biệt, một đơn vị hành chính đặc biệt, việc dự thảo quy định Luật Thủ đô là đô thị đặc biệt là phù hợp với yêu cầu phát triển tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đô thị.

Đại biểu cho rằng, dự thảo luật có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị. Như khoản 3 Điều 9 quy định "HĐND thành phố được chủ động hơn trong việc thành lập các ban của Hội đồng nhân dân thành phố, giao Hội đồng nhân dân thành phố một số thẩm quyền, như quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố hoặc HĐND thành phố được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý...

Việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền TP. Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Về quản lý biên chế Nhưng trong dự thảo hiện nay đã đổi mới rất mạnh mẽ theo hướng thành phố Hà Nội được căn cứ vào quy mô dân số, vị trí việc làm và tình hình kinh tế - xã hội cũng như khối lượng công việc và khả năng cân đối ngân sách để quyết định, xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của thành phố để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), tinh thần chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của chính quyền Thủ đô. Đại biểu đề nghị Quốc hội nên đẩy mạnh phân cấp, quản lý về biên chế, giao cho Hà Nội được quyền quyết định về biên chế cán bộ công chức, viên chức, đi liền với đó phải có cơ chế báo cáo, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương trong quá trình thực hiện.

Về phân cấp, ủy quyền, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo Luật cần chú ý, tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.

Gia Huy

Top