Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn và năng động hơn

29/05/2024 12:30 PM

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND TP. Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, góp phần tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn.

Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Tinh gọn và năng động hơn- Ảnh 1.

Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội góp phần tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn - Ảnh: VGP

Trong báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã cho biết, mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội xác định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; theo đó, không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.

Về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ và tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các cơ quan có liên quan, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND thành phố Hà Nội, HĐND quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm.

Bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, bà đặc biệt quan quan tâm quy định về hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012.

Cụ thể, dự thảo Luật dự kiến phân quyền mạnh mẽ hơn cho HĐND, UBND TP. Hà Nội được quyết định các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy; có những chính sách liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức, thu hút người có tài năng; chính sách về biên chế, về tiền lương, thu nhập...

Về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, đại biểu Lê Hoàng Hải tán thành với quy định về tổ chức chính quyền tại TP.Hà Nội như quy định tại Điều 8 của dự thảo Luật. Theo đó, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc Hà Nội sẽ góp phần khiến tổ chức chính quyền cấp xã, phường tinh gọn và năng động hơn.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành một chương riêng về chính quyền đô thị tại Hà Nội với nhiều cơ chế khác biệt so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay.

Theo đó, Chính quyền địa phương ở Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. HĐND, UBND Thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn ở TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

HĐND Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND Thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách. Thường trực HĐND dân Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 3 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định.

Việc xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đối với phân cấp, ủy quyền, UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, trừ trường hợp luật quy định không được phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp, ủy quyền được thực hiện theo quy định sau đây:

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện và điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương, UBND Thành phố được quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình;

b) Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân Thành phố có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể.

Về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác.

Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội, dự thảo Luật (Thủ đô) đã thiết kế một chương riêng về tổ chức chính quyền quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.

Việc xây dựng chương riêng về tổ chức chính quyền tại Thủ đô là cần thiết, vì Thủ đô muốn phát triển thì trước hết phải có một bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, dự thảo Luật đã tăng tính "chính danh" cho mô hình tổ chức chính quyền ở Thủ đô. Với mô hình này, tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội bước đầu đã có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn.

Cùng với đó, bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn thì chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đồng thời cũng được nâng cao. Ngoài ra, việc thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giữa công chức ở quận và phường linh hoạt, chủ động, phù hợp hơn, chế độ chính sách về lương, ngạch được đồng bộ, nâng cao do thống nhất một loại chức danh công chức, không phân biệt công chức quận, công chức phường.

Đổi mới tổ chức chính quyền tại Thủ đô là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.

Gia Huy

Top