Xây dựng tổ chức chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả trong Luật Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Đổi mới, hoàn thiện tổ chức chính quyền tại Thủ đô trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới về tổ chức chính quyền
TP. Hà Nội hiện đang xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó có việc hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Đóng góp ý kiến về nội dung này cho dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, sự ra đời của Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội" được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều "nút thắt" giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Sau khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, đến nay, tổ chức chính quyền ở Hà Nội bước đầu đã có sự phân biệt giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, có khả năng đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn trong quản lý đô thị hiện nay. Mô hình chính quyền ở Thủ đô hiện nay đã tinh gọn bộ máy so với trước khi không tổ chức HĐND phường, bộ máy chính quyền và UBND phường tăng cường tính năng động, tự chủ trong hoạt động công tác. Đồng thời, tổ chức chính quyền tại Hà Nội vẫn đảm bảo tính kế thừa cao, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã.
Tuy nhiên, TS. Tố Uyên nhận định, việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền cũng đặt ra một số vấn đề như cần tổ chức chính quyền đô thị một cách đồng bộ, thống nhất, đồng thời phân biệt rõ chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn là khá phức tạp. Ngoài ra, với mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn như hiện nay thì hoạt động các sở, phòng, ban chuyên môn khó tránh khỏi quản lý chồng chéo, khó bảo đảm quản lý thống nhất, liên thông về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch về phát triển ngành, quy hoạch không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Nhận định về tổ chức chính quyền trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS. Tố Uyên cho rằng, dự thảo bổ sung nhiều nội dung mới quan trọng, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khắc phục những tồn tại và vướng mắc của Luật Thủ đô năm 2012. Đặc biệt, quy định về tổ chức chính quyền trong Dự thảo đã thể hiện những điểm mới, đã thiết kế một chương riêng về tổ chức chính quyền với 10 điều, nội dung quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế 120 của các cơ quan, đơn vị thuộc Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô.
Việc xây dựng chương riêng về tổ chức chính quyền tại Thủ đô là cần thiết, vì Thủ đô muốn phát triển thì trước hết phải có một bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dự thảo đã "luật hóa" mô hình tổ chức chính quyền, tăng tính "chính danh" cho mô hình tổ chức chính quyền ở Thủ đô. Với mô hình này, tổ chức chính quyền ở Hà Nội bước đầu đã có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn.
TS. Tố Uyên cũng nêu, quy định của Dự thảo đã mở ra tổ chức chính quyền linh hoạt, phù hợp với tính chất, mức độ, đặc điểm phát triển đa dạng của các đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội; khắc phục tình trạng cứng nhắc, rập khuôn trong tổ chức chính quyền đô thị. Cùng với đó, bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn thì chất lượng dịch vụ công, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đồng thời cũng được nâng cao
Dự thảo đã có quy định cụ thể về thành phố thuộc Thủ đô. Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai). Thành phố thuộc thành phố là đơn vị chính quyền, phụ thuộc vào đơn vị hành chính với thành phố Hà Nội nhưng độc lập hoàn toàn về kinh tế, xã hội và các chủ trương phát triển khác. Để phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình, chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và triển khai thực hiện, thành phố thuộc thành phố phải được tổ chức bộ máy chính quyền hoàn chỉnh với cả thiết chế đại diện cho nhân dân và thiết chế quản lý hành chính.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bộ máy cần tiếp tục gọn nhẹ, linh hoạt
Tuy nhiên, TS. Tố Uyên cũng nêu, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục trao đổi, làm sáng rõ: Về mô hình tổ chức chính quyền tại Thủ đô, quy định trong Dự thảo vẫn chưa triệt để yêu cầu tinh gọn bộ máy gắn với chủ trương cải cách hành chính; mô hình chính quyền vẫn cồng kềnh, tầng nấc, bị cắt khúc, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Theo Nghị quyết 06- NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị ban hành ngày 24/01/2022, tỷ lệ đô thị hóa cả nước đến năm 2030 đạt trên 50%. Với Hà Nội, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Thủ đô khoảng 65-70%. Đô thị Hà Nội lúc này có tính tập trung rất cao về dân cư; các đầu mối giao thông, hành chính, hàng hóa, dịch vụ, thông tin, giao lưu trong sản xuất và thương mại.
Bên cạnh đó, đô thị có tính đồng bộ và thống nhất; cơ sở hạ tầng đô thị cần phải là những mạng lưới xuyên suốt, ít bị phụ thuộc bởi ranh giới hành chính. Do vậy, hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tại thành phố có tính liên kết với nhau chặt chẽ; chính quyền có tính thống nhất cao trong chỉ đạo công việc, đòi hỏi sự nhanh nhạy, quyết liệt trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
Với những đặc thù đó, đòi hỏi bộ máy chính quyền Thành phố phải được tổ chức thống nhất theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý mà mô hình thích hợp lúc này là mô hình một cấp chính quyền (cấp thành phố).
Về tổ chức của các cơ quan chính quyền tại Thủ đô, TS. Tố Uyên nêu ý kiến, với HĐND, có thể nghiên cứu chính sách để thu hút các chuyên gia, những người có năng lực chuyên môn phù hợp tham gia không chính thức vào các ban của HĐND, đặc biệt là HĐND thành phố.
Còn TS. Nguyễn Toàn Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, TP. Hà Nội cần xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững và hội nhập quốc tế. Đây cũng là nội dung được thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và rất được quan tâm góp ý, hoàn thiện.
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia về mô hình chính quyền đô thị, TS. Nguyễn Toàn Thắng cũng cho rằng bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội phải được tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng nấc trung gian, đảm bảo tính nhanh nhạy trong công tác quản lý đô thị.
Ngoài ra, cần phải "mạnh dạn" phân quyền, phân cấp hơn nữa cho chính quyền thành phố Hà Nội. Với tư cách vừa là một đô thị lớn lại vừa là Thủ đô, Hà Nội cần được phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn, để có phạm vi quyền tự chủ cao hơn.
Cùng với đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền thành phố Hà Nội, cần trang bị nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện một cách phù hợp cho Thủ đô.
Các chuyên gia cho rằng, những góp ý nêu trên có thể đóng góp một góc nhìn khoa học vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), từ đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô và của đất nước trong giai đoạn mới.
Gia Huy