9 vấn đề sẽ góp ý trong hội thảo về Luật Thủ đô (sửa đổi)

28/07/2023 11:46 AM

(Chinhphu.vn) - Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” sẽ diễn ra vào ngày 1/8 sắp tới, thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn Hà Nội.

Chín vấn đề sẽ góp ý trong hội thảo về Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)". Ảnh: VGP/Gia Huy

Sáng 28/7, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".

Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" được tổ chức vào sáng 1/8/2023 tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Dự kiến, Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô cùng các đơn vị liên quan. Hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội thảo tập trung tham luận, góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 vấn đề: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; Xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Quản lý sử dụng đất đai; Đào tạo giáo dục Thủ đô và Phát triển văn hóa; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; Liên kết, phát triển vùng Thủ đô.

Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc các trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm phát huy năng lực nghiên cứu của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trên địa bàn thành phố; kết nối giữa đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia với các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đồng thời, hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Ban tổ chức, có 9 vấn đề quan trọng của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được lựa chọn từ 16 nhóm nội dung liên quan đến các vấn đề quan trọng của Thủ đô. Các ý kiến tham luận, góp ý của đội ngũ các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được TP. Hà Nội, Ban Soạn thảo, các cơ quan có chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân.

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố chủ động triển khai việc tổng hợp thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và phối hợp với Bộ Tư pháp lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng Ban.

Kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nội dung đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những cơ sở quan trọng để Thành ủy đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 2022 đến nay, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Bộ Tư pháp báo cáo xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và đã thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Luật; đã ban hành Quyết định về Kế hoạch soạn thảo dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Gia Huy

Top