Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giải quyết được nhiều bất cập hiện nay

17/07/2023 1:44 PM

(Chinhphu.vn) - Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục…

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giải quyết được nhiều bất cập hiện nay - Ảnh 1.

Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: VGP/TL

Sáng 17/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sự cần thiết của Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013. Sau gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện về mọi mặt kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng…Thủ đô Hà Nội ngày càng xứng đáng với vị trí quan trọng so với của cả nước.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Thủ đô 2012 bộc lộ những hạn chế vì nội dung của Luật chưa đầy đủ, còn thiếu những quy định cần thiết về cơ chế, chính sách. Mặt khác, một số điều luật chỉ mang tính nguyên tắc, định hướng chung mà chưa có các quy định cụ thể đặc thù. Vì vậy, khó triển khai thực hiện và có nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trong 10 năm qua tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi, nhiều vấn đề mới nảy sinh và diễn biến phức tạp so với trước mà Luật Thủ đô chưa đề cập đến.

Mặt khác, những năm vừa qua, Nhà nước cũng đã ban hành một số Luật mới, quy định mới, trong đó có những điều luật khác với Luật Thủ đô như Luật Cư trú, Luật Nhà ở…đã làm giảm hiệu lực của Luật Thủ đô, trong khi chưa có quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô, vì vậy, không tạo được sự thống nhất về tính pháp lý khi thi hành các văn bản pháp quy của chính quyền Thành phố. Một số văn bản pháp quy của chính quyền TP. Hà Nội xây dựng và thông qua, không giải quyết được các vấn đề về cơ chế, chính sách thực tiễn yêu cầu.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giải quyết được nhiều bất cập hiện nay - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật Phạm Ngọc Thảo: Đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài. Ảnh: VGP/TL

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc sửa đổi Luật Thủ đô trong tình hình hiện nay là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý thống nhất, nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

Cần bổ sung cho Hà Nội nhiều cơ chế, chính sách riêng

Góp ý về hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật, MTTQ TP. Hà Nội đánh giá tổng thể Luật Thủ đô (sửa đổi) có bố cục, kết cấu hợp lý, logic. Luật đã tăng thêm 2 chương và 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012.

Trong đó, có nhiều điều luật quan trọng về tổ chức bộ máy, nhân sự, có cơ chế đặc thù thu hút nhân tài và những đặc thù về nguồn tài chính, về các chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực quản lý đô thị, xây dựng và nhà ở, phát triển nông nghiệp nông thôn…khá toàn diện.

Về chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực, ông Phạm Ngọc Thảo nêu rõ, đây là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa có sức thu hút và chưa sử dụng đúng nhân lực…gây lãng phí nhân tài. 

Vì vậy, đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài; tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi.

Góp ý tại hội nghị, PGS. TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đề nghị dự luật cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Hà Nội.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần giải quyết được nhiều bất cập hiện nay - Ảnh 3.

PGS. TS Bùi Thị An: Đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân…Ảnh: VGP/TL

Theo PGS.TS Bùi Thị An, cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. "Kể cả người không nằm trong quy hoạch, nhưng xét thấy có tài năng thì được cho lên đảm nhận trọng trách lãnh đạo đơn vị chứ không cần phải đợi quy trình các thứ. Chứ đợi đến lượt mới lên thì rất lâu", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, PGS.TS Bùi Thị An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý đối với cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân… mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.

Ngoài ra, PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, các điều luật tuy toàn diện nhưng thiếu ràng buộc về mặt quan hệ khăng khít với nhau giữa các lĩnh vực, như sự mâu thuẫn giữa dân số cơ học và hậ tầng xã hội (giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, môi trường…) nhưng chưa có cơ chế đặc thù, nên chưa giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc hiện nay.

Chẳng hạn về giáo dục Thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An kiến nghị nên có có một cơ chế, chính sách vượt trội hơn như chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều có thể tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để các em không may mắn đều được chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hay về phát triển nhà ở, cần tuân thủ quy hoạch Thủ đô và trong các quận lõi của nội thành thì không được phép xây thêm chung cư cao tầng; giành một quỹ để xây nhà ở xã hội cho thuê, bán, trả góp với những người làm công ăn lương, đặc biệt là cán bộ trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách, tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục. Đặc biệt là đãi ngộ cho nhân tài ở vị trí lãnh đạo, quản lý; cho Hà Nội cơ chế để tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, hội nghị đã lắng nghe 13 ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học.

Luật Thủ đô (sửa đổi) là luật riêng có của Hà Nội và đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. MTTQ TP. Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân trước khi báo cáo Chính phủ trình với Quốc hội xem xét sửa dự luật này.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành.

Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước. Các nội dung này được cụ thể hóa tại các điều từ chương II đến chương V.

Thùy Linh

Top