Cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

12/07/2023 6:49 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 11/7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Luật và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập đồng chủ trì cuộc họp.

Cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự cuộc họp có các thành viên Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND Thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp của một số tỉnh trong Vùng Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), Phó Tổ trưởng Tổ biên tập đã trình bày một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và kết quả làm việc của Thường trực Tổ biên tập sau cuộc họp của Tổ biên tập ngày 23/6/2023. Theo đó, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Tổ biên tập, Dự thảo Luật được thiết kế thành 6 Chương với 59 điều, cụ thể: Chương I. Những quy định chung (gồm 08 điều: từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Tổ chức chính quyền tại Thủ đô (gồm 11 điều: từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (gồm 16 điều: từ Điều 20 đến Điều 35); Chương IV. Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô (gồm 11 điều: từ Điều 36 đến Điều 46, tăng 6 điều so với dự thảo trước do tách một số nội dung từ Điều 39 thành các điều độc lập); Chương V. Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô (gồm 06 điều: từ Điều 47 đến Điều 52); Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 07 điều, Điều 53 đến Điều 59).

Cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 2.

Lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển - Ảnh: VGP/LS

Trên cơ sở đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận và nhất trí về sự cần thiết phải sử đổi Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Trong đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Tổ chức chính quyền tại Thủ đô; quy định bổ sung có mục tiêu và thưởng cho Thủ đô tương ứng với toàn bộ số tăng thu ngân sách; quy định mức dư nợ vay của Thành phố; quy định bán tài sản của cơ quan Trung ương trên địa bàn; thẩm quyền đầu tư; ưu đãi đầu tư; thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; quy định về giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội; quy định về việc để lại 100% khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; về ưu đãi thuế; hỗ trợ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm nông nghiệp; thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, quá trình xây dựng và sửa đổi dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo Luật mà pháp luật hiện hành chưa có quy định, thì phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuyệt đối tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; ngoài ra cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề xuất không quy định quá dàn trải các cơ chế, chính sách vì dự án Luật này không phải là thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành mà để áp dụng riêng cho Thủ đô; đồng thời cần nghiên cứu để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội ngay trong Luật để có thể áp dụng được ngay, không cần chờ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012; rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật.

Thứ trưởng cũng đề nghị Tổ biên tập tiến hành rà soát song song với nội dung các dự thảo Luật đang sửa đổi, bổ sung để thiết kế các quy định phù hợp; đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội; hướng tới cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì dự án Luật Thủ đô sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2023; thông qua tháng 5/2024.

Lê Sơn

Top