Phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc thành phố

10/12/2022 10:08 AM

(Chinhphu.vn) - Tối 9/12, tại du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương lao động hạng Ba cho huyện Mê Linh; đồng thời huyện cũng vinh dự đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.

Phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc thành phố - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương lao động hạng Ba cho huyện Mê Linh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thành các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiến tới xây dựng và hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo hướng đô thị thông minh - sinh thái đáp ứng yêu cầu để phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc Thành phố theo Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị.

Năm 2010, khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Mê Linh phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn nhất là: Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, kinh tế khu vực nông thôn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp 13,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao chiếm 8,64%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt khoảng 300 tỷ đồng, trong đó cơ bản là thu từ nguồn đấu giá đất (khoảng 50%).

Qua khảo sát 19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới của 16 xã cho thấy các xã chỉ đạt 01/19 tiêu chí (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp (2/19 tiêu chí đạt 70-90%, 5/19 tiêu chí đạt 50-60%, 11/19 tiêu chí đạt dưới 50%). Đối với tiêu chí cấp huyện: Năm 2010, chưa triển khai tiêu chí cấp huyện, đánh giá tại thời điểm năm 2016, 9/9 tiêu chí cấp huyện đều chưa đạt.

Nhưng đến nay, Mê Linh đã có 16/16 xã đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế trên địa bàn đạt 92,5%... Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang.

Phấn đấu đưa huyện Mê Linh trở thành thành phố trực thuộc thành phố - Ảnh 2.

Huyện Mê Linh đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với những kết quả đã đạt được, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu huyện Mê Linh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình công tác của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố vào điều kiện của địa phương để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương và Thành phố.

Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của huyện.

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng: "Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh".

Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố và các sở, ngành liên quan để thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các xã đã được công nhận nông thôn mới chú trọng công tác lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị gắn với việc phân công, phân nhiệm, lộ trình rõ ràng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là: 8 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phải quán triệt trong nhận thức và hành động, đó là xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Thiện Tâm

Top