Phấn đấu giảm số người mắc bệnh lao xuống dưới 45/100.000 đân

24/03/2023 4:24 PM

(Chinhphu.vn) - Chương trình chống lao trên địa bàn TP. Hà Nội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2023, Hà Nội sẽ phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống < 45 người/100.000 dân.

Phấn đấu giảm số người mắc bệnh lao xuống dưới 45/100.000 đân - Ảnh 1.

Bệnh viện Phổi Hà Nội đã khởi động chương trình điều trị lao tiềm ẩn. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (báo cáo WHO 2021).

Tỷ lệ nhiễm lao hàng năm ở Việt Nam là 1,7% và ước tính khoảng 30% dân số mắc lao tiềm ẩn (LTBI), tỷ lệ này ở khu vực thành thị trên 40%. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chiến lược quốc gia phòng chống lao nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao nhưng tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.

Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược "2X" (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Từ tháng 7/2022, các cơ sở điều trị lao trên toàn quốc bắt đầu cấp thuốc lao cho bệnh nhân qua bảo hiểm y tế. Trong thời gian tới, chương trình chống lao quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hướng dẫn các cơ sở điều trị lao đảm bảo kiện toàn tổ chức khám chữa bệnh lao đáp ứng các điều kiện khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, quản lý sử dụng, cung ứng, điều phối thuốc lao qua bảo hiểm y tế.

Đối với Hà Nội, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Nguyễn Văn Đông, năm 2019, thành phố có 4.484 trường hợp mắc lao đã được báo cáo từ các tổ chống lao, Bệnh viện Phổi Hà Nội, các hoạt động kết hợp y tế công tư và các chương trình khác (như trung tâm giáo dục thường xuyên, trại giam, nhà tù). Như vậy, tỷ lệ người bệnh lao được báo cáo là 56/100.000 dân.

Năm 2021-2022 Hà Nội phải đối phó với nhiều đợt dịch bệnh COVID-19 với hơn 4.000 ca mắc, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến việc phát hiện, hỗ trợ điều trị bệnh nhân lao trên địa bàn. Đặc biệt năm 2022, thành phố Hà Nội lại đón đợt dịch COVID-19 tương đối nặng nề, với biến thể Omicron. Do đó, Hà Nội có tình hình phát hiện bệnh nhân giảm so với 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chống lao, số liệu phát hiện đã hồi phục rất mạnh mẽ, với tiềm năng trở về tốc độ trước COVID-19 là rất rõ ràng trong thời gian cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã phường. Công tác thực hiện tại các quận, huyện bám sát chỉ tiêu, thực hiện công tác phát hiện, chẩn đoán và điều trị, quản lý người bệnh theo đúng hướng dẫn của chương trình chống lao quốc gia. Phát triển mạnh các hoạt động khám phát hiện chủ động, đảm bảo 1% dân số Hà Nội được khám nghi lao hàng năm.

Việc quản lý điều trị bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở cũng được triển khai đều đặn, thường xuyên, hoạt động cấp phát thuốc tại các xã được duy trì, thuận tiện cho bệnh nhân, đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh ngay trong thời gian dịch bệnh. Các hoạt động của chương trình đã đạt được các mục tiêu của dự án phòng chống lao quốc gia cũng như đang đi đúng lộ trình đạt tới các mục tiêu của chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đặc biệt với việc giảm dần tỷ lệ bệnh nhân điều trị lao, tiến tới khống chế bệnh lao vào năm 2030; tăng tỷ lệ điều trị dự phòng bệnh nhân lao tiềm ẩn.

Phấn đấu giảm số người mắc bệnh lao xuống dưới 45/100.000 đân - Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị bệnh lao tại BVĐK Hà Đông. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Văn Đông, năm 2023, Hà Nội sẽ phấn đấu đạt mục chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống < 45 người/ 100.000 dân; giảm tỷ lệ tử vong cho lao xuống dưới 4 người/ 100.000 dân. Đồng thời, giảm tối đa nguy cơ phát sinh kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc lao kháng thuốc với tỷ lệ <5% trong số người bệnh lao mới phát hiện.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh lao, nâng cao nhận thức về phát hiện, điều trị, dự phòng bệnh lao cho bệnh nhân, gia đình và cộng đồng, tuyên truyền về giá trị và lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế. Các tổ lao quận huyện, tổ lao tại các bệnh viện tham gia chương trình phòng chống bệnh lao tổ chức hoạt động truyền thông cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ít nhất 1 lần trong 1 tháng.

Tăng bao phủ trong phát hiện lao sớm, nâng cao chất lượng khám bệnh và điều trị có hiệu quả, mở rộng độ bao phủ chăm sóc y tế toàn diện cho người bệnh lao. Cụ thể, sẽ khám mới cho 85.000 người dân, đạt 1% dân số toàn thành phố khám phát hiện bệnh lao (trong đó khám phát hiện bệnh lao cho 60.500 người nghi lao đến khám tại các bệnh viện, phòng khám.. trong mạng lưới chống lao; khám sàng lọc chủ động phát hiện bệnh lao cho 20.000 người dân tại 40 điểm khám thuộc quận, huyện Thành phố Hà Nội...

Củng cố mạng lưới chương trình chống lao, tăng cường sự phối kết hợp của các cán bộ y tế thuộc chương trình chống lao và không thuộc chương trình chống lao, nhằm phát triển mạnh hơn công tác xã hội hóa trong phòng chống bệnh lao, phát triển mở rộng mạng lưới chống lao, triển khai khám chữa bệnh lao theo Bảo hiểm y tế đến tuyến xã/phường. Tăng cường sự phối kết hợp của các cán bộ y tế thuộc chương trình chống lao và không thuộc chương trình chống lao, nhằm phát triển mạnh hơn công tác xã hội hóa trong phòng chống bệnh, đảm bảo 75% các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; 25% các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phối hợp với chương trình chống lao Thành phố Hà Nội.

Xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động phối hợp theo 4 mô hình phối hợp phát hiện, chẩn đoán, quản lý điều trị tại các Bệnh viện, phòng khám công lập và tư nhân.Nhân ngày Thế giới chống lao 24/3/2023, tổ chức tư vấn truyền thông tại tuyến thành phố và tuyên truyền về phòng chống bệnh lao tại 30 quận, huyện, đối tượng là đại biểu các ban ngành đoàn thể và lãnh đạo địa phương. Mục đích nhằm cung cấp kiến thức về công tác lao cho họ và đảm bảo xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của họ đối với hoạt động chống lao tại các quận/ huyện và xã/ phường.

Thiện Tâm

Top