Phát huy lợi thế phát triển cây dược liệu

28/02/2024 3:28 PM

(Chinhphu.vn) - Với lợi thế đất đai và nguồn nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng, đến nay Hà Nội có khoảng 213 ha diện tích trồng cây dược liệu ở một số địa phương như: Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, Thạch Thất... Đây là tiềm năng để người nông dân có thể khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu phát triển kinh tế.

Phát huy lợi thế phát triển cây dược liệu- Ảnh 1.

Vùng trồng cây dược liệu (cúc chi) tại Hà Nội. Ảnh: VGP/TT

Chị Uông Tuyết Nhung, Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp công nghệ cao Phúc Lâm, thị xã Sơn Tây cho biết, cánh đồng trồng cây dược liệu cúc chi với diện tích hơn 3 ha đã được HTX đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Sơn Tây. Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng với mục đích gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến cây dược liệu, nhằm chuyển đổi diện tích đất đồi sang trồng cây dược liệu, góp phần khai thác lợi thế địa hình của từng địa phương. Trung tâm khuyến nông hỗ trợ mô hình 50% giống và vật tư nông nghiệp.

Bà Trần Thu Hoài, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Ngọc Linh chia sẻ, toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu cho bà con. Công ty đang thu mua sản phẩm cây dược liệu tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Sóc Sơn..., với diện tích khoảng 9-12 ha. Trong năm 2024, dự kiến công ty thu mua sản phẩm của nông dân trên diện tích 20 ha.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết tính đến nay Hà Nội có khoảng 213 ha diện tích trồng cây dược liệu. Những mô hình trồng cây dược liệu đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo chuỗi liên kết trong sản xuất với tiêu thụ, giúp doanh nghiệp gần với người nông dân, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay nhu cầu về dược liệu ngày càng nhiều nhưng phần lớn là nhập khẩu. Việc sản xuất được cây dược liệu tại chỗ sẽ là cơ hội để Hà Nội hình thành vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho hay, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ xây dựng các mô hình cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, với quy mô 400 ha vào năm 2025 và 1.000 ha vào năm 2030. Đồng thời, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho việc bảo tồn, khôi phục giống dược liệu quý, hiếm; phát triển dược liệu dưới tán rừng, sản xuất một số loại dược liệu đặc thù, như: Nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để phát triển cây dược liệu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Do sản xuất cây dược liệu đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, nếu người dân trồng cây dược liệu tự phát thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu và hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, từng bước đưa cây dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội.

Thiện Tâm

Top