Phát huy nguồn lực từ đất đai cho các dự án đường sắt đô thị
(Chinhphu.vn) - Một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai xây dựng đường sắt đô thị, đó là nguồn lực tài chính. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một nguồn lực quan trọng có thể huy động tài chính cho các dự án đường sắt đô thị chính là từ đất đai.
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM", chiều 18/1, đã diễn ra phiên chuyên "Huy động nguồn lực từ đất đai".
Phát biểu tại phiên chuyên đề "Huy động nguồn lực từ đất đai", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho hay, hội thảo đã diễn ra được hơn nửa chặng đường. 3 phiên chuyên đề đã được tổ chức với khoảng 30 bài tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế, tập trung vào kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng hệ thống đường sắt đô thị theo mô hình TOD; các vấn đề về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đường sắt đô thị tại các thành phố lớn của Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, bài học cho 2 thành phố của Việt Nam.
Đồng thời, hội thảo cũng được nghe các bài giới thiệu về dự án phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM, các khó khăn, điểm nghẽn trong triển khai dự án.
Đáng chú ý, tại các phiên hội thảo trước, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng khẳng định rằng, với tình hình thực tế hiện nay, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM là công việc hết sức cấp thiết, nếu không tập trung triển khai, sẽ khiến các Thành phố thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội và làm cản trở mục tiêu phát triển rất cao của hai thành phố và chúng ta phải có cách làm mới, phải có các cơ chế chính sách đặc thù thì mới có hi vọng thực hiện được mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và TPHCM vào năm 2035 tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, Thủ đô Hà Nội và TPHCM đang thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ có tính pháp lý quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống đường sắt, đó là cả 2 thành phố đều đang đồng thời lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch TPHCM, cùng việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, Quy hoạch chung TPHCM; Hà Nội có điểm đặc thù hơn nữa là đang triển khai rà soát, điều chỉnh Luật Thủ đô.
Có thể nói, đây là thời cơ rất đặc biệt để phát triển hệ thống đường sắt đô thị của hai thành phố. Các vấn đề mà các chuyên gia khuyến nghị như cần có tầm nhìn mới về quy hoạch không gian cho xây dựng hệ thống đường sắt cần mở rộng hơn; những thể chế, chính sách đặc thù để phát triển hệ thống giao thông công cộng nói chung, đường sắt đô thị theo định hướng TOD nói riêng, vấn đề phân quyền… đều có thể được xem xét, kịp thời đưa vào các văn kiện quan trọng trên, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Do đó, những ý kiến thu được từ các phiên Hội thảo này là hết sức đáng quý.
Dẫn ý kiến của các chuyên gia khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai xây dựng đường sắt đô thị, đó là nguồn lực tài chính. Đặc biệt, ngày hôm qua, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo cần tính đủ chi phí cho giao thông đường sắt, không chỉ trong giai đoạn xây dựng, mà còn cả suốt vòng đời của dự án, trong đó chi phí cho việc bảo trì, vận hành đường sắt không hề nhỏ. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, đây là bài toán rất khó cần phải giải đối với 2 thành phố lớn của Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, một trong những yếu tố quan trọng nhất để triển khai xây dựng đường sắt đô thị, đó là nguồn lực tài chính. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một nguồn lực quan trọng có thể huy động tài chính cho các dự án đường sắt đô thị chính là từ đất đai.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia, diễn giả đã cùng trao đổi, làm rõ các cơ sở pháp lý, phạm vi huy động nguồn lực đất đai để đầu tư, xây dựng công trình đường sắt đô thị; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực đất đai phát triển các công trình đường sắt đô thị; phân tích các vướng mắc, khó khăn và giải pháp để huy động nguồn lực đất đai đối với các công trình đường sắt đô thị.
Thùy Linh